Ở nhà an toàn, mua hàng trực tuyến

Cập nhật: Chủ nhật 16/05/2021 - 10:08
 Nhân viên Siêu thị Minh Cầu chuẩn bị hàng giao theo đơn đặt hàng trực tuyến của khách hàng.
Nhân viên Siêu thị Minh Cầu chuẩn bị hàng giao theo đơn đặt hàng trực tuyến của khách hàng.

Trước nguy cơ lây lan COVID-19 trong cộng đồng, người tiêu dùng Thái Nguyên có thể hạn chế tiếp xúc với đông người tại các chợ, siêu thị bằng hình thức mua hàng trực tuyến qua hệ thống các trang thương mại điện tử hoặc dịch vụ bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, điện thoại.

Siêu thị Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) là một trong những đơn vị đi đầu của tỉnh về ứng dụng thương mại điện tử. Doanh nghiệp này bố trí tới 10 nhân viên tiếp nhận và xử lý đơn hàng trực tuyến qua trang web, ứng dụng trên điện thoại thông minh, mạng xã hội. Khách được miễn phí giao hàng trong bán kính 10km đối với những đơn hàng giá trị tối thiểu 100.000 đồng và trọng lượng dưới 10kg.

Chị Lương Huyền Ngọc, Trưởng phòng Maketing, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu chia sẻ: Làn sóng mới của dịch COVID-19 đã khiến lượng khách hàng đặt mua hàng trực tuyến của Siêu thị Minh Cầu thường tăng mạnh. Có những ngày, chúng tôi tiếp nhận 150 đơn hàng trực tuyến và trong khoảng 1 tuần trở lại đây, số lượng đơn hàng trực tuyến tăng gấp hai lần so với ngày thường với khoảng 60 đơn mỗi ngày.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 27 toàn quốc, tăng 4 bậc so với năm 2019. Chỉ số này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp đồng thời cũng cho thấy sự dịch chuyển của một lượng không nhỏ người tiêu dùng chuyển sang khu vực kinh doanh trực tuyến.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 sàn thương mại điện tử và 75 trang web bán hàng trực tuyến đăng ký hoạt động qua Sở Công Thương. Trong đó, Siêu Thị Minh Cầu, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Công ty CP Đầu tư Phát triển IMUS, Công ty TNHH Dũng Thành… là những doanh nghiệp dẫn đầu về thương mại điện tử. Bên cạnh đó, hàng nghìn hộ kinh doanh nhỏ lẻ qua hình thức trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee.. hay mạng xã hội Zalo, Facebook và điện thoại di động đang hoạt động rất tích cực.

Đơn cử như cửa hàng Phượng Coffee nằm trên đường Hùng Vương (T.P Thái Nguyên). Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Phượng Coffee chỉ bán hàng cho khách mang về và đặc biệt là tăng cường phục vụ các đơn đặt hàng qua mạng. Mỗi ngày, cửa hàng bán trực tuyến từ 60-80 đơn hàng. Dù doanh số sụt giảm nhưng việc kinh doanh trực tuyến cũng giúp cửa hàng trang trải một phần chi phí. Anh Nguyễn Quang Dũng, chủ cửa hàng cho biết: Từ khi mới đợt dịch COVID-19 mới bùng phát trong cộng đồng đến nay, tôi đã bố trí nhân viên chuyên trách tiếp nhận các đơn đặt hàng qua mạng xã hội để đáp ứng vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng và duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Trên thực tế, dù chưa có con số thống kê chi tiết số lượng và tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh mua sắm trực tuyến trong những năm gần đây nhưng theo nhận định của đại diện Sở Công Thương, khách hàng trong khu vực này đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Vào những thời điểm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng cao, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chọn lực phương án mua hàng trực tuyến thay thế cho hình thức truyền thống để tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người mua hàng trực tuyến cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng dịch khi tiếp xúc với nhân viên giao hàng, gỡ bỏ bao bì hàng hóa sau khi nhận hàng đồng thời hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt trong giao dịch để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Hoàng Hưng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: