Phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại
Trung tâm thương mại Đông Á Plaza ở phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) không chỉ góp phần kiến tạo không gian đô thị hiện đại mà còn phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa, vui chơi giải trí của người dân. |
Những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển “nhảy vọt”. Hàng loạt dự án xây dựng trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, cửa hàng tự chọn, chợ… được cấp phép đầu tư và hoàn thành, đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị của ngành Thương mại - Dịch vụ, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm ngày càng cao của nhân dân.
Cuối năm 2018, TTTM Vincom Plaza của Tập đoàn Vingroup đã chính thức khai trương, đi vào hoạt động tại phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), tạo điểm nhấn quan trọng trong phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh. Với quy mô 54 gian hàng nằm trên diện tích 3.000m2, Vincom Plaza là Dự án TTTM lớn nhất được triển khai xây dựng tại tỉnh ta. Từ sau khi khai trương đến nay, mỗi ngày, Vincom Plaza thu hút hàng nghìn lượt người dân đến thăm quan, mua sắm và trải nghiệm. Theo ông Nguyễn Hoàng Mác Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên đánh giá: Sự xuất hiện của TTTM Vincom Plaza không chỉ góp phần kiến tạo không gian đô thị hiện đại mà còn mang đến cho người dân những trải nghiệm mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực mới; đồng thời, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Theo đánh giá của Sở Công Thương, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại, như quỹ đất tại trung tâm thành phố, trung tâm huyện lỵ còn tương đối rộng, sức mua của người dân ngày càng lớn và đã có thay đổi trong việc lựa chọn các điểm mua sắm. Vì vậy, những năm gần đây, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hàng loạt các giải pháp, cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, như: Ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư khi gặp vướng mắc trong triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Người dân mua sắm hàng hóa tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên).
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong vòng 5 năm gần đây, hàng nghìn tỷ đồng đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các TTTM, siêu thị, dịch vụ lưu trú cao cấp trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng thương mại không ngừng được hoàn thiện theo hướng hiện đại. Trong đó, mô hình TTTM, siêu thị ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô và chất lượng. Trong tổng số 23 dự án TTTM được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2016 đến nay, đã có 5 TTTM đi vào hoạt động, gồm: Vincom Plaza, Đông Á Plaza, Chợ Đồng Quang, Chợ Minh Cầu, TTTM - Tài chính FCC, Kim Thái. Các TTTM này đều được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại với nhiều công năng sử dụng, như: Tổ hợp nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hội trường, phòng họp, cửa hàng, văn phòng cho thuê… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 26 siêu thị, tập trung nhiều nhất ở T.P Thái Nguyên với 22 siêu thị; còn lại phân bố tại T.P Sông Công; T.X Phổ Yên; Phú Bình; Đại Từ.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các TTTM, siêu thị, những năm gần đây, hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp 30 chợ với tổng nguồn vốn trên 140 tỷ đồng, nâng tổng số chợ đang hoạt động nằm trong quy hoạch của tỉnh lên 140 chợ. Trong đó, 4 chợ hạng I, 10 chợ hạng II và 126 chợ hạng III. Hiện nay, hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đều đều đã có chợ hoặc các điểm mua sắm tập trung. Thương mại nông thôn phát triển đóng góp gần 80% vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tỉnh.
Có thể nói, cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ đã và đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng sôi động, với nhiều loại hình dịch vụ, thương mại phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của của người dân. Nhờ đó, nếu như năm 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 25.642 tỷ đồng thì đến cuối năm 2019, con số này đã tăng lên trên 37.405 tỷ đồng, gấp 1,4 lần.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tân Chính, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Với mục tiêu phát triển thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ; khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như TTTM, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động… Đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ phù hợp với từng địa phương; tăng cường hỗ trợ vốn vay ưu đãi, liên kết thị trường và xúc tiến thương mại; huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại…