Thương mại điện tử “chắp cánh”cho nông sản
Trung bình mỗi ngày, HTX chè La Bằng (Đại Từ) có trên 100 đơn hàng online. Trong ảnh: Thành viên HTX dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè tôm nõn để đăng trên sàn thương mại điện tử. |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với bán hàng truyền thống thì thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang trở thành kênh phân phối triển vọng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người nông dân. Không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản hiệu quả trong mùa dịch, sàn giao dịch TMĐT còn giúp bà con nông dân dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, mở rộng thị trường.
Trong đợt thu hoạch na vừa qua, nhờ áp dụng các kênh TMĐT, hàng chục tấn na ở xã La Hiên (Võ Nhai) đã được tiêu thụ đến tay người tiêu dùng. Ông Nông Quang Duy, Giám đốc HTX Na La Hiên chia sẻ: Thông qua các sàn giao dịch TMĐT và kênh tiêu thụ trực tiếp tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại một số sở, ngành, đơn vị trong tỉnh đã giúp chúng tôi tiêu thụ được hơn 80 tấn na. Tôi nhận thấy, sàn TMĐT thực sự là kênh phân phối hiệu quả và tiện ích cho người nông dân trong trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Tương tự, đối với HTX chè La Bằng (Đại Từ), nhờ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT nên mặc dù kênh phân phối truyền thống bị sụt giảm doanh số nhưng kênh bán hàng online bắt đầu phát triển, phần nào giúp cho HTX từng bước vượt qua khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: Với diện tích 30ha, trung bình mỗi ngày, chúng tôi sản xuất được 3 tạ chè búp khô. Trong vòng 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 khiến sản lượng tiêu thụ của HTX bị giảm tới 40%. Tuy nhiên, do đẩy mạnh quảng bá trên các sàn TMĐT nên hiện nay, mỗi ngày chúng tôi cũng có 100 đơn hàng với số lượng hơn 1,2 tạ chè búp khô bán ra thị trường. Hiện nay, khách hàng cũng bắt đầu làm quen với việc mua sắm online nên chúng tôi rất chú trọng đến việc bao gói, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Không chỉ riêng mặt hàng chè, na mà nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thái Nguyên như: Miến, mật ong, gạo, mỳ gạo, nấm… cũng đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn TMĐT như: https://thainguyentrade.vn/, https://voso.vn/; https://v1.postmart.vn/... được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Đồng hành cùng với người nông dân, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên việc phân phối thông qua sàn TMĐT.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp - PTNT đã phối hợp cùng một số đơn vị như: Sở Công thương, Bưu điện tỉnh, Viettel Post đưa một số sản phẩm nông nghiệp lên các sàn giao dịch TMĐT và bước đầu đã có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Thông qua sàn, các sản phẩm của địa phương không chỉ có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, tiếp cận đa dạng các đối tượng người tiêu dùng trong và ngoài nước, mà còn có thể tạo được thương hiệu riêng, nâng tầm giá trị sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Để việc kinh doanh qua kênh TMĐT hiệu quả và phát triển bền vững, bà con cần thường xuyên cập nhật thông tin về sản phẩm cũng như nắm bắt xu thế của thị trường để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Song hành với đó, bà con cũng cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, chú trọng cách thức đóng gói, bảo quản sản phẩm trong quá trình vận chuyển để không bị hư hỏng.