Đổi thay trên mảnh đất lịch sử
Một góc thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) hôm nay. |
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay khách du lịch lên Điện Biên không nhiều. Tuy nhiên, “sức hút” của việc Điện Biên khởi công xây dựng đền thờ liệt sĩ trên đồi F và khánh thành bức tranh Panorama tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, đã đưa một số du khách về nơi từng diễn ra trận thư hùng 67 năm trước. Bên cạnh việc thăm lại các di tích của trận đánh lịch sử, du khách còn muốn chứng kiến một thành phố trẻ đang thay da đổi thịt từng ngày.
Những con số ấm lòng
Gần 70 năm tính từ trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và toàn diện của Trung ương Đảng, được sự quan tâm, chăm sóc của Chính phủ, sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả của các bộ, ngành, 19 dân tộc Điện Biên kết thành một khối đồng tâm với truyền thống đấu tranh, xây dựng và phát triển; khẳng định vị trí trọng yếu với vai trò trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa nơi địa đầu biên cương Tổ quốc.
Thật vậy, những nhiệm kỳ qua và nhất là 17 năm kể từ khi chia tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu (2004-2021), những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Điện Biên phấn đấu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thật đáng ghi nhận và trân trọng. Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: Bên cạnh những khó khăn, thách thức, cũng cần phải thấy rằng chúng ta bước vào “năm bản lề” 2021 với nhiều thuận lợi mà trước hết là môi trường chính trị - xã hội ổn định, đoàn kết nội bộ và sự gắn bó mật thiết giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong khối đại đồng. Trong điều kiện cả nước quyết liệt chống dịch Covid-19, giá tiêu dùng leo thang, nhưng khu vực miền núi nói chung và Điện Biên nói riêng vẫn tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư, tháo gỡ khó khăn nhiều mặt. Hàng loạt các chương trình, kế hoạch, dự án với nhiều quy mô được khởi động, như: Dự án xây dựng Đền thờ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đồi F; dự án Nâng cấp, mở rộng cảng hàng không được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư… đã tạo thêm động lực, khí thế mới để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Điện Biên nỗ lực hơn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Trước sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 trong cộng đồng vào tháng 2-2021, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ kép là vừa chống dịch, vừa chú trọng phát triển kinh tế, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ba tháng đầu năm ước đạt 2.765,406 tỷ đồng (tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 299,730 tỷ đồng (tăng 3,26%); khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 562 tỷ đồng; khu vực dịch vụ đạt hơn 1.791 tỷ đồng.
Công tác cải cách thủ tục hành chính; gặp mặt, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục được Điện Biên quan tâm thực hiện trên tinh thần thẳng thắn và quyết liệt, bởi vậy dẫu có khó khăn, có chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 song Điện Biên vẫn có “sức hút” riêng với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Điện Biên đổi thay từng ngày
Đến từ huyện biên giới Mường Nhé xa xôi, ông Vàng Giống Chá (74 tuổi, dân tộc Mông) kể: “Mấy năm mới có dịp về thăm thành phố Điện Biên Phủ một lần, thấy thành phố đổi thay rất nhiều, không biết nói thế nào cho hết lòng mình”. Chỉ tay vào anh con trai đứng bên cạnh (đang học tại Trường cao đẳng Sư phạm Điện Biên), ông Vàng Giống Chá nói thật hồn nhiên: “Cháu nó bảo nơi đây xưa kia là bãi chiến trường rất nhiều xe tăng, súng đạn, thế mà nay là một thành phố rộng lớn. Nhiều nhà cao tầng quá, tôi ngửa cổ nhìn mà rơi cả cái mũ trên đầu”...
Mang theo cảm xúc ấy, xuôi theo quốc lộ 279, chúng tôi về bản Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) - nơi ghi dấu nỗi đau và những tháng ngày khốc liệt trong trận chiến 67 năm trước để cảm nhận rõ hơn những đổi thay ở Điện Biên hôm nay. Ông Lò Văn Inh - người sống sót sau vụ thảm sát trại tập trung Noong Nhai năm 1954, ngậm ngùi kể: Quá trưa ngày 25/4/1954, từng tốp khu trục (B54) bất ngờ xuất hiện. Chiếc sau nối chiếc trước, nhằm mục tiêu trại tập trung Noong Nhai cắt bom. Từ dưới đất, những cột lửa ngùn ngụt bốc lên không trung, khói đen cuồn cuộn phủ tối một vùng trời. Sau loạt bom sát thương, chúng ném tiếp 12 quả bom na-pan. Những tiếng nổ chát chúa, rung chuyển cả một góc phía nam lòng chảo Mường Thanh. Kết thúc cuộc thảm sát, nhiều gia đình ở hai bản Huổi Cánh và Hồng Cúm (xã Thanh An) không còn một người nào sống sót.
Và hôm nay, trên nền trại tập trung Noong Nhai ngày xưa, bản Noong Nhai đã được chia tách thành hai bản là Noong Nhai 1 và Noong Nhai 2. Từ chỗ hầu hết số hộ thuộc diện nghèo, đến nay cả bản Noong Nhai 1 và Noong Nhai 2 không còn hộ nào nghèo; thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân không dưới 800 kg/người/năm. Nhiều người dân bản Noong Nhai nói riêng và xã Thanh Xương nói chung, đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương, như gia đình các ông: Lò Văn Inh, Lường Văn Hiêng, Lường Văn Khíu và Lò Văn Bun... Được sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, người dân Noong Nhai đang từng bước đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới phồn vinh.
Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ Lê Tiến Dũng cho biết: Chiến trường Điện Biên Phủ có 49 cứ điểm; hầu hết các cứ điểm này đều nằm trong địa phận các phường, xã thuộc thành phố, cho nên trong mục tiêu phát triển thành phố Điện Biên Phủ luôn xác định phát triển kinh tế, văn hóa gắn với phát triển du lịch lịch sử; bảo tồn di tích lịch sử, di tích chiến trường Điện Biên Phủ làm động lực phát triển du lịch và kinh tế. Để hoàn thành mục tiêu thành phố Điện Biên Phủ đạt đô thị loại II, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã xây dựng lộ trình cụ thể. Điểm nhấn không gian TP Điện Biên Phủ sẽ là sự hình thành khu đô thị bảo tồn quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, kết nối một cách hài hòa với cánh đồng lòng chảo Mường Thanh, được đan xen bởi những bản làng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý thú. Quần thể di tích trên địa bàn thành phố sẽ được bảo tồn, không bị xâm hại, phá vỡ bởi không gian kiến trúc các công trình phúc lợi, dân sinh. Trước mắt, các di tích trên địa bàn thành phố được chỉnh trang, bảo đảm hài hòa với cảnh quan chung quanh và yêu cầu phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử của di tích. Và cùng với cánh đồng Mường Thanh, kiến trúc đô thị của T.P Điện Biên Phủ sẽ tạo được dấu ấn riêng với nét đặc trưng du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái. Từ thực tế phát triển và dự kiến quy hoạch cho thấy, thành phố Điện Biên Phủ đang hướng tới là một đô thị văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần nâng cao vị thế của Điện Biên trong tiến trình hội nhập.
Nỗ lực để Điện Biên phát triển nhanh, bền vững
Mừng với thành quả Điện Biên đạt được, song để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 là “quyết tâm đưa Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chất lượng cao nhất, làm cơ sở, nền tảng để phát triển bền vững. Ðồng thời, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt ba khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã đề ra. Trong đó, Điện Biên tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, trọng tâm là: Triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Ðiện Biên; các dự án hạ tầng du lịch; Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ; các dự án giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh lân cận. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội tại T.P Ðiện Biên Phủ, nhất là Dự án đường 60m, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng dọc sông Nậm Rốm, các tuyến đường kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12. Ðồng thời, tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa bàn vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.