Khẩn cấp thiết lập "lá chắn" chống dịch COVID-19 tại đường biên
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra và làm việc tại tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Khôi Nguyễn) |
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng trong khu vực, các đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Y tế đồng loạt đến các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế đã điều lực lượng tinh nhuệ đến hỗ trợ tỉnh Kiên Giang cả về điều trị, thiết lập bệnh viện dã chiến, xét nghiệm nhằm thiết lập "lá chắn" chống dịch tại biên giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia hết sức phức tạp. Ca mắc trong những ngày gần đây mặc dù có giảm, nhưng vẫn ở 3 con số. “Vì vậy, chúng tôi đánh giá nguy cơ có thể lây lan dịch từ Campuchia, Thái Lan và một số nơi khác vào khu vực Tây Nam Bộ của nước ta rất lớn và hiện hữu...Trong thời gian qua, chúng ta đã phát hiện ra nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, không chỉ ở những trường hợp nhập cảnh trái phép, mà cả nhập cảnh theo đường chính ngạch. Thậm chí, có lần trong 11 người nhập cảnh về Việt Nam có tới 10 người dương tính với SARS-CoV-2” - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đặt cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại khu vực Tây Nam Bộ ở mức rất cao. Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao đối với khu vực này. Các biện pháp chúng ta đang triển khai cũng đã phát huy được hiệu quả.
“Biện pháp thứ nhất, đó là làm mọi việc để ngăn chặn tối đa nhập cảnh trái phép vào khu vực này. Tất cả các lực lượng, từ bộ đội biên phòng, công an, đến các lực lượng tại địa phương đã cắm chốt và tăng dày các điểm cắm chốt để quản lý việc nhập cảnh trái phép” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói và cho biết thêm: Bên cạnh đó, trên đường biển - khu vực rất rộng lớn, việc nhập cảnh trái phép trên đường biển cũng hết sức phức tạp - các tỉnh đã tăng cường tuần tra, giám sát việc nhập cảnh.
Các địa phương cũng huy động mọi người dân tham gia phòng, chống dịch, báo cơ quan chính quyền địa phương khi có người nhập cảnh.
Tiếp đến, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các địa phương tăng cường xét nghiệm, giám sát, tầm soát những trường hợp, đối tượng, khu vực có nguy cơ… để có thể phát hiện sớm tình hình dịch, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tất cả các địa phương đều phải chuẩn bị cho những tình huống dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Cụ thể, đó là chuẩn bị cho tình huống nâng công suất xét nghiệm, việc cách ly, cách ly trên diện rộng và cách ly trong thời gian rất ngắn đối với các trường hợp nghi ngờ và tiếp xúc gần với những trường hợp dương tính.
Các tình huống khác cũng được đặt ra, như xây dựng bệnh viện để điều trị cho những bệnh nhân trong tình huống có diễn biến dịch phức tạp.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng trong khu vực, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ. Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã đến Kiên Giang ngày 18/4, đây là đoàn công tác đầu tiên trong 5 đoàn của Bộ Y tế lên đường dịp này. Tiếp đó, dự kiến cuối tuần này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long sẽ đến kiểm tra tại Vĩnh Long và Cần Thơ.
Hiện nay, 2 đoàn công tác của hai Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn cũng đang có mặt tại khu vực Tây Nam Bộ để rà soát lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Trưởng đoàn công tác số 2 kiểm tra tại một chốt chặn dân sinh của khu vực cửa khẩu Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Minh Thư)
Bộ Y tế điều lực lượng tinh nhuệ đến Kiên Giang
Với hơn 56 km đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia trên đường bộ lẫn trên biển cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, Bộ Y tế nhận định Kiên Giang là địa phương có “đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ” do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt là khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn; công tác phòng, chống dịch cần được triển khai quyết liệt, chặt chẽ toàn diện; các phương án, kịch bản phòng, chống ngăn ngừa dịch COVID-19 cần được chuẩn bị và xây dựng sẵn sàng cho các tình huống khác nhau của dịch bệnh.
Chính vì thế trong chuyến làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch, triển khai công tác tiêm vắc xin COVID-19 tại tỉnh Kiên Giang cuối tuần qua, tư lệnh ngành y - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ địa phương về các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật. Bộ Y tế sẽ xem xét, có những hỗ trợ phù hợp để giải quyết nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc trong công tác xét nghiệm, vật tư, điều trị.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý tỉnh Kiên Giang cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ban ngành và của địa phương; tiếp tục thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 trên đường bộ và trên biển.
Tuyên truyền, phổ biến để huy động người dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”; tăng cường, chủ động công tác lấy mẫu giám sát tại các địa điểm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm kiểm soát tốt và giúp phát hiện sớm các trường hợp ca bệnh, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Kiên Giang cũng cần tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để phục vụ công tác xét nghiêm, tầm soát diện rộng cũng như sẵn sàng trong các tình huống, kịch bản có thể xảy ra.
Kiên Giang khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến. (Ảnh: Lam Hiếu/VOV)
Khẩn trương thiết lập bệnh viện dã chiến - "lá chắn" điều trị vùng biên
Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đã đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang để hỗ trợ thành phố Hà Tiên trong việc tư vấn, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Đoàn công tác có nhiệm vụ hỗ trợ y tế cho Trung tâm Y tế Hà Tiên trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; thiết lập phòng bệnh hồi sức cấp cứu (bao gồm của ECMO và lọc máu), hướng dẫn sàng lọc, phân luồng tiếp nhận và di chuyển bệnh nhân, công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế; tư vấn thiết kế, thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP Hà Tiên (quy mô khoảng 500 giường) và TP Rạch Giá (có thể trên 500 giường).
Ngành y tế Kiên Giang cũng đã điều động Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang hỗ trợ một tổ điều trị tăng cường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều động 1 tổ hỗ trợ giám sát chuyên môn về dịch tễ, cách ly, hướng dẫn các nội dung trong khu cách ly cho Trung tâm Y tế TP Hà Tiên.
“Chúng tôi luôn đánh giá, tất cả các tỉnh có đường biên giới như Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang… đều là những khu vực rất “nóng” trong tình hình dịch hiện nay. Vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên để đón bệnh nhân và đã cử chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đễn đây hỗ trợ việc thiết lập bệnh viện dã chiến” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, khó khăn nhất hiện nay của Kiên Giang vẫn là chống nhập cảnh trái phép bằng đường biển vì Kiên Giang có chiều dài bờ biển lên đến hơn 200 km và 63.000 km2 diện tích mặt nước biển.
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, trước hết tỉnh Kiên Giang vẫn phải tăng cường công tác tuần tra kiểm soát khu vực biên giới để ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Trước mắt, trong vòng 10 ngày tới, phòng hồi sức cấp cứu phải được thành lập xong. Bệnh viện dã chiến sẽ cố gắng hoàn thành càng sớm càng tốt.
Đề cao tinh thần cảnh giác, kêu gọi tất cả người dân tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 và dồn tất cả nguồn nhân lực, vật lực để bảo vệ tuyến biên giới cả trên bộ lẫn trên biển./.