Khẳng định vai trò xung kích trong phát triển kinh tế
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. |
Chiều 8-1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị; tham dự có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại biểu tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong 5 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát huy vai trò xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách trong lĩnh vực thu hút, đầu tư, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp (DN) phát triển kinh tế. Theo đó, Bộ đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành 5 đạo luật quan trọng, thiết yếu đối với hoạt động đầu tư công và môi trường kinh doanh: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, để nâng cao sức cạnh tranh của DN trong nước, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025; xây dựng cơ chế, chính sách cho việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đi đầu đổi mới phương thức xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng cắt giảm tối đa các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các luật nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận và thực thi.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Quang Tiến báo cáo nhanh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư những kết quả kinh tế nổi bật của Thái Nguyên đạt được trong nhiệm kỳ qua: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 11%/năm (mục tiêu: tăng 10%/năm); lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm gần 60% cơ cấu kinh tế năm 2020 (mục tiêu: 53%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,77%/năm (mục tiêu: tăng 15%/năm). Trong năm 2021, Thái Nguyên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng hành, hỗ trợ DN)...
Đồng chí cũng kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số nội dung: Sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung thẩm định hiệu quả kinh tế - xã hội của chương trình, dự án đầu tư công; tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020; phối hợp với Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn áp dụng định mức chi phí quản lý chung của tổ chức tư vấn lập quy hoạch.
Cùng với Thái Nguyên, nhiều địa phương cũng đã kiến nghị với Bộ làm rõ các căn cứ pháp luật về việc lập quy hoạch thẩm định các dự án đầu tư trong giai đoạn thời kỳ chuyển tiếp, nguồn vốn lập quy hoạch đối với các dự án có tính chất chuyên ngành, đô thị, nông thôn; tiến độ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp mới và mở rộng; quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp… Những kiến nghị này đã được lãnh đạo các vụ trực tiếp giải trình, tiếp thu, tổng hợp trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương, ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù cả nước phải đối mặt với dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm thực mục tiêu kép “chống dịch và duy trì phát triển kinh tế” nên kinh tế của cả nước vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt kết quả cao nhất trong 5 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2021, các địa phương cần chú trọng tới những nội dung: Quan tâm, xây dựng phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững gắn tư duy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi công nghệ số; phát huy tối đa thế mạnh, lợi thế của vùng, địa phương; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao thể chế, chính sách pháp luật theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những thách thức, bài học kinh nghiệm và giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; theo sát diễn biến thị trường để chủ động ứng phó với những khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức trong ngành cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần sáng tạo, lấy DN, người dân làm trung tâm để phục vụ; nắm bắt các cơ hội từ 13 hiệp định thương mại tự do, cuộc cách mạng 4.0 nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế…