Khoảng 4,6 - 10,3 triệu lao động Việt bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Cập nhật: Thứ ba 21/04/2020 - 17:46
  Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến cuối quý 2, khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động Việt Nam, do giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam vừa công bố báo cáo nhanh về tác động của COVID-19 tới thị trường lao động Việt Nam, phân tích tác động theo lĩnh vực kinh tế và ước tính quy mô việc làm bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá của ILO, số liệu thống kê quốc gia trong quý 1 thể hiện khủng hoảng COVID-19 chỉ tạo nên tác động nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam. Phân tích các chỉ số thị trường lao động từ các số liệu mới nhất cho thấy việc làm, tình trạng thất nghiệp và số giờ làm việc trong quý 1 vẫn chưa bị tác động nhiều.

Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy thị trường lao động phản ứng với suy thoái kinh tế có độ trễ. Điều này là bởi các doanh nghiệp trước tiên luôn cố duy trì lực lượng lao động của mình lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm sản lượng cho đến khi không còn tiếp tục duy trì được nữa. Sự tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động có thể sẽ rõ rệt hơn trong quý 2.

Các chuyên gia ILO đã đưa ra hai kịch bản tác động gồm kịch bản có mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý 2 và kịch bản còn lại là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng.

Với hai kịch bản tác động được xây dựng, ILO ước tính đến cuối quý II, khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động, do giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc. Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do họ không được tiếp cận các mạng lưới bảo trợ xã hội do Nhà nước chi trả. Lao động dễ bị tổn thương đặc biệt có nguy cơ phải đối diện rủi ro về kinh tế do họ phần đông làm các công việc phi chính thức với mức lương thấp và nhiều khả năng họ không có tiền tiết kiệm. Phụ nữ chiếm số đông trong hầu hết các lĩnh vực phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các hoạt động kinh tế.

Các chuyên gia ILO nhận định, mức độ tổn thất về sinh kế sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do Chính phủ Việt Nam và các nước khác áp dụng. Khó có thể dự đoán được diễn biến của cú sốc do dịch bệnh COVID-19 gây ra bằng cách so sánh với các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ do tính chất khủng hoảng này chưa từng có tiền lệ. Các quốc gia đều cảm thấy mình đang đứng trong một tình thế chưa bao giờ gặp phải, vừa áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để kiểm soát dịch bệnh vừa tự điều chỉnh dựa trên kinh nghiệm vốn có và kinh nghiệm học hỏi được từ các quốc gia khác.

ILO nhấn mạnh, Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến COVID-19 một cách quyết liệt và mạnh mẽ, và quan trọng nhất là với mục tiêu bảo vệ tất cả mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cách tiếp cận đó cần phải được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Đây là thời điểm quan trọng phải đảm bảo rằng phản ứng chính sách kinh tế - xã hội được xây dựng một cách bao trùm, dựa trên tham vấn ba bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động), và có thể tác động tới các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động. Thời điểm khó khăn này tạo cơ hội cho Việt Nam để thiết lập nền tảng cho con đường tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi công cuộc hồi phục bắt đầu được thực hiện./.


Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: