Không ca mắc mới, Việt Nam có 1.060 trường hợp mắc COVID-19
Sáng 12-9, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới. Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt thông điệp 5K- khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế để chống dịch trong tình hình mới.
Tính từ 18h ngày 11-9 đến 6h ngày 12-9, Việt Nam ghi nhận 0 ca mắc mới. Như vậy, đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.060 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.
Về số người cách ly, Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 35.390, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 590; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.433; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 18.367
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Số ca âm tính với SARS-CoV-2: Lần 1: 16; lần 2: 17; lần 3: 21; số ca tử vong: 35 ca; số ca điều trị khỏi: 902 ca.
Dịch COVID-19 đã được kiểm soát
Phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19 ngày 11-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch cơ bản đã được kiểm soát. Đến nay, các địa phương, kể cả Đà Nẵng đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường. Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa.
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép. Cụ thể, tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt “thông điệp 5K” - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.
Các địa phương cần phải tăng cường chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch tại cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị các kịch bản, các phương án ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lực lượng lao động lớn và các khu dân cư.