Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gần dân, giản dị theo gương Bác
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, kể lại những hồi ức về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. |
L.T.S: Báo Thái Nguyên trích đăng bài viết “Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gần dân, giản dị theo gương Bác” của các đồng nghiệp ở Báo Tuổi trẻ, ghi lại những hồi ức của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân (quê ở xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Thượng tướng Phạm Thanh Ngân là người kế nhiệm đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ tháng 1-1998. Trước đó, tháng 12-1997, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
3 giờ sáng ngày 7/8/2020, chuông điện thoại của tôi đổ dồn, cậu thư ký của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gọi "Bác Phiêu đi rồi". Tôi trào nước mắt, thức đợi đến khi trời sáng để đến nhìn mặt anh lần cuối. Biết là lẽ sinh tử trong cuộc đời không tránh khỏi, anh Lê Khả Phiêu ra đi ở tuổi thượng thọ, nhưng vẫn để lại trong chúng tôi niềm thương nhớ khôn nguôi…
Còn mãi hình ảnh Tổng Bí thư xắn quần lội nước
Cả cuộc đời anh Lê Khả Phiêu “Bắc chiến Nam chinh”, có mặt ở nhiều chiến trường gian khổ, ác liệt nhất, từ người lính trưởng thành đến các cấp bậc chỉ huy, cầm súng kháng Pháp, chống Mỹ, đánh trả quân Pol Pot giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi họa diệt chủng. Người thủ trưởng - đồng đội - người anh Lê Khả Phiêu của chúng tôi là hình ảnh tiêu biểu anh "bộ đội Cụ Hồ" của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Nhớ tới anh là nhớ tới hình ảnh người lãnh đạo gần dân, giản dị, ân cần. Những năm 1997, 1999, 2000, lũ lụt liên tiếp xảy ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, gây rất nhiều mất mát. Có lần tôi đang ngồi xuồng chạy trên sông Mekong bốn bề nước nổi thì bất ngờ gặp đoàn do anh Lê Khả Phiêu dẫn đầu, anh mặc áo phao ngồi canô vào tận vùng bị thiên tai, nơi khó khăn nhất để kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu trợ, khắc phục, động viên nhân dân. Còn lại mãi hình ảnh một Tổng Bí thư xắn quần lội nước thăm hỏi, cứu trợ đồng bào miền Trung giữa cơn “đại hồng thủy”.
Trong chiến tranh thì không nói, vì sự gắn bó máu thịt giữa quân - dân là đương nhiên, anh Lê Khả Phiêu vừa là người chỉ huy chiến đấu, lại vừa làm công tác chính trị, sống giữa lòng dân, được nhân dân đùm bọc, chở che. Nhưng khi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, giữa anh và đồng bào cũng không có khoảng cách.
Tôi nhấn mạnh phẩm chất này, bởi không phải người lãnh đạo nào cũng giữ gìn được phẩm chất bình dị, gần gũi và được dân yêu mến như anh. Nhớ mãi chuyến công tác cùng anh đến huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), anh vào tận bản làng ngồi nói chuyện với đồng bào dân tộc, tìm hiểu rất cụ thể, tỉ mỉ đời sống của dân, khi chào bà con ra về thì anh và tôi được đồng bào tặng mỗi người một tấm nệm làm bằng cỏ tranh.
Tôi được gặp Bác Hồ bốn lần, nhiều lần được gặp, làm việc với các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, tôi khẳng định rằng cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một lãnh đạo gần dân, giản dị hiếm có theo tấm gương của Bác.
Anh sống mộc mạc, không trọng hình thức, cả cuộc đời chiến đấu gian khổ nên khi giữ cương vị cao nhất anh vẫn ăn mặc giản dị, đạm bạc, nói năng mộc mạc, không có một chút gì là xa hoa, quan cách. Con người anh sống không lợi dụng chức quyền, các con của anh chị đều phấn đấu, trưởng thành, không có chuyện "ô dù" hoặc lạm dụng vị thế của cha...
Về hưu vẫn góp tiếng nói hiệu quả
Nhiều người đã đánh giá về vai trò của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò chủ trì của anh khi xây dựng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 1) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, khởi sự công tác chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ, quyết liệt, bài bản kể từ sau chiến tranh.
Có thể nói, với tầm nhìn sắc bén, nhanh nhạy với thời cuộc, anh đã sớm phát hiện sự suy thoái đạo đức, lối sống, tình trạng cửa quyền, tham ô trong bộ máy của Đảng và chính quyền (trong đó có cả cán bộ cấp cao), từ đó đặt ra yêu cầu phải chấn chỉnh, ngăn ngừa.
Nói đi đôi với làm, Bộ Chính trị khóa VIII mà tôi vinh dự là một thành viên đã có những cuộc kiểm điểm kéo dài đến 10 ngày đối với tất cả các ủy viên, từ Tổng Bí thư trở xuống. Thời điểm đó, Trung ương thành lập ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết này, tôi được phân công phụ trách mấy tỉnh miền Trung.
Tôi nhớ rõ khi ấy nội bộ tỉnh Hà Tĩnh có biểu hiện mất đoàn kết, chúng tôi đã thành lập đoàn để vào tận nơi làm việc với tổ chức và kiểm điểm, góp ý từng cá nhân các đồng chí lãnh đạo, sau đó tình trạng được khắc phục. Sau này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã cảm ơn chúng tôi vì Trung ương đã vào cuộc kịp thời, ngăn ngừa sự rạn vỡ trong nội bộ cấp ủy địa phương.
Chứng kiến công tác chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo quyết liệt, hiệu quả của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi thường nói với nhau rằng giá như việc này được thực hiện quyết liệt, thực chất và liền mạch từ thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến nay thì nhiều vấn đề đã không để xảy ra như vậy.
Tôi muốn nói thêm một điều nữa trước vong linh anh Lê Khả Phiêu, chúng tôi tự hào về anh, một nhà lãnh đạo can trường đã chiến đấu, làm việc suốt đời, cho đến hơi thở cuối cùng.
Khi đã về hưu, trước những vấn đề tồn tại, bức xúc của đất nước mà anh nhìn thấy, hoặc những vấn đề được nhân dân phản ảnh, anh thường gọi những cán bộ thân cận, tin tưởng đến để trao đổi thẳng thắn, sau đó anh có ý kiến góp ý, đề xuất với Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Tôi được biết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong hai nhiệm kỳ qua đã tiếp nhận, chỉ đạo thực hiện nhiều góp ý, đề xuất của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, góp phần có ý nghĩa và rất hiệu quả vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân là một phi công nổi tiếng, lái các loại máy bay chiến đấu MiG-17, MiG-21 bắn hạ nhiều máy bay Mỹ, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969.