Thu hút FDI trong lĩnh vực năng lượng sạch: Việt Nam ưu tiên chuyển giao công nghệ
Một nhà máy điện mặt trời có vốn đầu tư nước ngoài ở Ninh Thuận. |
Với một quốc gia đang phát triển nhanh như Việt Nam, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nguồn điện là cần thiết. Tuy nhiên để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam sẽ ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có chuyển giao công nghệ.
Năm 2019-2020, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió với hơn 16,5GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia (đạt 23,9% công suất lắp đặt toàn quốc). Nếu tính cả 20,6 GW thuỷ điện, công suất lắp đặt nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã chiếm 55,17% công suất lắp đặt toàn quốc.
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ tăng từ 47.000 MW hiện nay lên đến 130.000 MW vào năm 2030.
Như vậy, hơn 80.000 MW nguồn điện mới cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành trong khoảng 10 năm tới, cùng với đó là cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. Ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn này là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… và giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống.
Chia sẻ tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 19/5 vừa qua, ông Gareth Wath - Đại sứ Anh tại Việt Nam - cho biết: “Trong 10 năm tới, Việt Nam cần đầu tư 100 tỷ USD để phát triển năng lượng và khoảng 130 tỷ USD để chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Để có thể huy động 130 tỷ USD thì Chính phủ Việt Nam cần thu hút đầu tư trong lĩnh vực tư nhân.”
Với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong 5 năm qua dòng vốn FDI và nhiều ông lớn trong nước đã đổ mạnh vào ngành năng lượng tái tạo. Tính riêng vốn đầu tư nước ngoài, năm 2009, có 2 dự án FDI trong năng lượng đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 90,5 triệu USD. FDI trong lĩnh vực này có giảm xuống trong năm 2013 sau đó tăng dần vào năm 2014. Năm 2015, vốn đăng ký vào lĩnh vực này đạt trên 356 triệu USD. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, năm 2020, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện thu hút tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký (thu hút FDI năm 2020 đạt 28,53 tỷ USD) cao gấp 38 lần so với thời kỳ 5 năm trước đó.
Trong số này, rất nhiều dự án FDI lớn của những tập đoàn tên tuổi trên thế giới đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.
Trước đó, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (Trung tâm nhiệt điện LNG tỉnh Bạc Liêu), có tổng vốn đăng ký lên tới 4 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore với mục tiêu sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng LNG được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2020.
Cũng trong năm 2020, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Bình Thuận phát triển điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận), có tổng công suất lên tới 3,5 GW. Với chi phí vốn đầu tư ước tính lên đến 10 tỷ USD, đây được đánh giá là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Ưu tiên các dự án chuyển giao công nghệ
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, mục tiêu quan trọng trong việc thu hút vốn FDI là từng bước chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đúng là hiện nay chưa có bóng dáng các nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác, Việt Nam có nhiều nhà đầu tư lớn, có khả năng huy động vốn vượt xa con số 130 tỷ USD. Cái mà các nhà đầu tư Việt Nam lo là công nghệ, kỹ thuật và quản trị” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trên thực tế, Việt Nam hiện đang có hơn 100 nhà đầu tư ở lĩnh vực năng lượng và doanh nghiệp là những người thực hiện các ý tưởng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, an ninh năng lượng chính là an ninh quốc gia. Vì vậy, sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước trong quá trình đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực này từ lâu là điểm rất quan trọng.
Ngày 28/5 tới, Chủ tịch Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ông Alok Sharma sẽ sang thăm Việt Nam và có buổi làm việc với 50 doanh nghiệp, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp Việt Nam. Ông Gareth Wath cho biết, có thể bổ sung thêm các doanh nghiệp Việt Nam vì “các nhà đầu tư Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất năng lượng.”