Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi xã, phường là một “pháo đài” chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. |
Chiều 5-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với các địa phương trên cả nước về công tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay.
Tham dự tại Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng thuộc các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư. Cuộc họp được truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện; 9.043 xã, phường trong cả nước.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hôm nay, Ban Chỉ đạo tổ chức họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố; có điểm khác theo chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ chốt về kiện toàn Ban Chỉ đạo, thành viên cần có đầy đủ các cơ quan, ban ngành trong hệ thống chính trị tham gia do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng nêu rõ, ngoài các điểm cầu trực tuyến tới 63 tỉnh, thành, cuộc họp này có điểm mới là còn được truyền trực tuyến đến 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường trên cả nước.
Thay mặt Ban Chỉ đạo mới, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Ban Chỉ đạo trước đây do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ gần 2 năm nay.
Mấy ngày qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông đã hỗ trợ để thiết lập việc chỉ huy từ phòng làm việc Thủ tướng Chính phủ đến tận xã, phường nhằm thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, phường, thị trấn.
Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ của ai người ấy làm, thiết lập hệ thống giám sát này không có nghĩa Thủ tướng, Ban Chỉ đạo làm thay; không có chuyện tỉnh làm thay huyện, huyện làm thay xã. Cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới. Cấp dưới thực hiện quy trình, báo cáo, đề xuất cấp trên các vấn đề thấy cần thiết trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
“Chúng ta lấy trọng tâm là xã, phường, vừa qua đã chuyển hướng, lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng chống dịch. Người sống ở xã, phường; xã, phường hiểu dân nhất, gần dân nhất, xã, đến với dân nhanh nhất, cho nên điều này rất phù hợp hệ thống chính trị của chúng ta”.
Xã, phường là nơi trực tiếp gắn với dân, cũng là một hệ thống chính trị tương đối đầy đủ như T.Ư: có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ, đoàn thể; người dân, vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Việc phân định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy là như vậy, từ đây chúng ta rút kinh nghiệm trong chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội dưới sự điều hành, quản lý của Chính phủ.
Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5-9, tại Trụ sở Chính phủ.
* Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm chỉ huy và kiểm tra trực tuyến về phòng chống dịch đã được thiết lập và kết nối đến hơn 5.500 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn trên cả nước (khoảng 50% số xã, phương, thị trấn); 19 tỉnh, thành phố phía Nam kết nối 2.594 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn (đạt 100% số xã, phường, thị trấn).
Các địa phương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương rà soát, củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, thành lập các Trung tâm/Sở chỉ huy phòng, chống dịch, đồng thời ban hành các quy chế, kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ, lịch phân công trực trong thời gian thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Bộ Y tế chỉ đạo T.P Hồ Chí Minh triển khai tốt chương trình điều trị có kiểm soát tại cộng đồng; vận hành hiệu quả 436 Trạm Y tế lưu động ngay tại các xã, phường, thị trấn và các Tổ quản lý, chăm sóc F0 tại cộng đồng; hiện đã cung cấp hơn 110.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà và các vật tư, sinh phẩm xét nghiệm nhanh, thiết bị y tế (Sp02, máy đo huyết áp, bình oxy...) cho các trạm y tế lưu động.
Cùng với đó, ở những địa phương giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã tổ chức thực hiện tương đối nghiêm việc kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn. Đẩy mạnh hoạt động, phát huy vai trò của các Tổ COVID cộng đồng, Tổ tự quản; tăng cường trách nhiệm, phân công người đứng đầu các cấp trực tiếp phụ trách thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động các hộ dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn trong công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, huy động sự tham gia của các lực lượng trên địa bàn xã, phường, thị trấn để trực tiếp triển khai hoạt động chống dịch như y tế, quân đội, công an, tổ dân phố... Một số nơi thiết lập các kênh liên lạc qua ứng dụng công nghệ (Zalo, Viber...) để thuận tiện trao đổi thông tin trong quá trình triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, để mỗi xã, phường, thị trấn thực sự là một “pháo đài” vững chắc trong công tác phòng, chống dịch, các địa phương cần tiếp tục kiện toàn, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; các “pháo đài” cần chuẩn bị phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, không để lúng túng, bị động.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trong phòng, chống dịch để kịp thời điều chỉnh, giúp đỡ xã, phường, thị trấn về nguồn lực, vật chất, con người, không để dịch bùng phát, nhất là tại các vùng xanh và vùng nông thôn. Có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh.