Tốc độ lây lan COVID-19 đợt dịch Hải Dương mạnh hơn, nhanh hơn đợt Đà Nẵng
Các đại biểu dự tại Điểm cầu Thái Nguyên. |
Sáng 19-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã có buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện tỉnh, huyện, Trung tâm y tế dự phòng…
Theo báo cáo tại Hội nghị, Việt Nam đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc COVID-19. Thế giới tục ghi nhận các biến chủng mới. Trong đó, bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc. Tại Việt Nam, trong đợt dịch từ ngày 27-1 đến nay, đã ghi nhận 3 biến chủng, trong đó B.1.1.7 Anh (tại Hải Dương) có khả năng lây lan nhanh và A.23.1 xuất hiện tại Rwanda, châu Phi (tại T.P Hồ Chí Minh). Với đợt dịch lần thứ 3 này, như ban đầu các chuyên gia nhận định là đợt dịch tương đối phức tạp vì biến chủng của Anh tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ. Cũng vì thế, trong thời gian ngắn, Việt Nam phát hiện nhiều ca bệnh. Đặc điểm dịch tễ học lần này là dịch trong khu công nghiệp, số mắc cao, trung bình 20 ca mắc mới/ngày trong khi Đà Nẵng là 15 ca/ngày, dịch tại Đà Nẵng trong 36 ngày; liên quan 15 tỉnh, T.P Hải Dương hiện chưa rõ xu hướng, trong khi Đà Nẵng sau 20 ngày đã thấy xu hướng giảm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá rất cần cẩn trọng từng khâu, do các nguy cơ vẫn còn nhiều. Bộ trưởng đề nghị các tỉnh cần kiểm tra toàn tỉnh cơ sở nào có thể cách ly và lên kịch bản sẵn, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe. Tất cả các địa phương cũng cần xây dựng phương án xét nghiệm, lấy mẫu trên diện rộng; triển khai tập huấn nhân lực lấy mẫu, xét nghiệm và sẵn sàng trang thiết bị cho tình huống dịch bùng phát.