Tưởng niệm 156 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

Cập nhật: Thứ năm 20/08/2020 - 15:18
 Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đặt tràng hoa tại tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định.
Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đặt tràng hoa tại tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định.

Ngày 20/8, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 156 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 – 20/8/2020).

Lễ tưởng niệm năm nay diễn ra trang trọng, gồm lễ viếng, đặt tràng hoa và dâng hương tại tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định, lăng mộ (tại thị xã Gò Công) và đền thờ của ông (tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, cho biết: Lễ tưởng niệm là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của tỉnh Tiền Giang nói chung và nhân dân Gò Công nói riêng, được tổ chức hàng năm nhằm thể hiện sự tri ân, tôn kính đối với Anh hùng dân tộc Trương Định - người đã hy sinh vì sự nghiệp dựng nước và bảo vệ Tổ quốc. Lễ tưởng niệm cũng là dịp giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm cho thế hệ hôm nay và mai sau, tạo khí thế phấn khởi, đoàn kết trong nhân dân trong và ngoài tỉnh. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-9 nên Ban Tổ chức chỉ tổ chức lễ viếng, dâng hoa, dâng hương mà tạm dừng các phần hội để tránh tập trung đông người.

Cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định là một trong những ngọn cờ đầu của phong trào kháng chiến chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ thứ 19 tại Nam Bộ. Cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định gắn liền với vùng đất Gò Công, nơi ông gây dựng căn cứ khởi nghĩa trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Quần thể Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Đám lá tối trời”, “Ao Dinh”, “Đình Gia Thuận” và cả vùng đất Tân Phước, Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) là những nơi in đậm dấu ấn của “Bình Tây đại nguyên soái”.

Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định tại tỉnh Tiền Giang đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016. Đền thờ của ông ở xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông), Lũy Pháo đài (huyện Tân Phú Đông) và đền thờ, lăng mộ ông ở thị xã Gò Công được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Phần mộ của bà Trần Thị Sanh (vợ thứ của Anh hùng dân tộc Trương Định) cũng được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.


Theo Báo Tin tức
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: