Nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng
(Bài 1) Các DN sản xuất công nghiệp “dễ thở” hơn
Sau khi hoàn thành các biện pháp bảo đảm an toàn cho khu vực mỏ và bãi thải trong mùa mưa bão năm nay, Công ty than Khánh Hòa hiện đã đi vào khai thác ổn định, công suất đạt gần 24.000 tấn than/tháng. |
Chủ trì Phiên họp thứ 37 của UBND tỉnh, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục nhấn mạnh: Hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Đối với các ngành kinh tế, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng ổn định hoạt động, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Những ngày gần đây, việc nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho hầu hết các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh “dễ thở” hơn. Tại các nhà máy, phân xưởng, hàng nghìn lao động đã quay trở lại làm việc bình thường với quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra của các DN.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, tìm hiểu thực tế tại một số DN sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị đã có tín hiệu lạc quan hơn so với những tháng trước đó. Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Xi măng Cao Ngạn cho biết: Trong quý I năm nay, do việc tiêu thụ xi măng gặp khó khăn nên Công ty đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ các loại gạch xây dựng đô thị (gạch terrazzo, gạch block) để ổn định việc làm cho 130 lao động. Nhờ đó, doanh thu của đơn vị vẫn đạt trên 56 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Sau khi việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 được nới lỏng, Công ty khẩn trương ổn định sản xuất, kinh doanh như trước, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đạt tổng doanh thu 270 tỷ đồng trong năm nay… Còn với Công ty CP Xi măng La Hiên, tính đến hết tháng 4, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 70.000 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi việc giãn cách xã hội được nới lỏng, Công ty khẩn trương tiến hành khảo sát để có thể mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh lân cận…
Đối với các DN sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh cũng đã có sự khởi sắc bước đầu sau khi việc giãn cách xã hội được nới lỏng. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Kết cấu thép xây dựng Tân Khánh (T.X Phổ Yên) cho biết: Cuối tháng 4 vừa qua, 100% lao động trong đơn vị đã quay trở lại làm việc bình thường do DN mới ký được 2 đơn hàng lắp ráp khung nhà tiền chế, góp phần phục hồi sản xuất sau đợt nghỉ phòng, chống dịch kéo dài. Còn đối với Công ty CP Đúc Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên), hiện nay, việc xuất khẩu sản phẩm của đơn vị sang Hàn Quốc đang tạm dừng, tuy nhiên thị trường tiêu thụ trong nước thì vẫn ổn định, do đó Công ty đang đẩy mạnh khai thác thị trường này, từ đó góp phần phát triển sản xuất.
Với các DN ngành may trên địa bàn tỉnh trong những ngày này đều tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm để ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho đông đảo người lao động. Cụ thể, do việc xuất khẩu quần áo sang Mỹ và một số nước châu Âu vẫn đang gặp khó khăn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (Phú Bình) đã chuyển một bộ phận công nhân sang may hàng tiêu thụ trong nước, từ đó ổn định mức doanh thu trên 50 tỷ đồng/tháng. Còn với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn đang tiếp tục là "cứu cánh" của DN. Trong tháng 4, Công ty đã xuất được những lô hàng khẩu trang đầu tiên sang các nước châu Âu (Pháp, Bỉ, Đức…). Cùng với đó, “cánh cửa” sang Mỹ của sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn cũng đang rộng mở.
Nhà máy tách khí Nitơ Messer Thái Nguyên (Khu công nghiệp Yên Bình) có công suất 9.000m3/giờ, luôn đảm bảo cung cấp khí Nitơ an toàn phục vụ sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.
Trái ngược với các DN có vốn đầu tư trong nước, nhiều DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu sản phẩm điện tử, thiết bị y tế, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các đơn vị phụ trợ, Công ty TNHH Mani Hà Nội, Công ty TNHH Wiha Việt Nam…, chúng tôi được biết phần lớn các đơn vị này vẫn đang duy trì sản xuất cầm chừng để chờ đợi thị trường xuất khẩu ổn định trở lại. Riêng tại Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng doanh thu năm 2020 dự ước đạt 24 tỷ USD, giảm 4 tỷ USD so với năm 2019.
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay của các DN sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2020: Kịch bản 1, nếu dịch COVID-19 ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 6 (từ tháng 7 đến tháng 12 hoạt động sản xuất trở lại bình thường) thì giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 763.000 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch năm, tăng 2,6% so với năm trước; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 25,56 tỷ USD, bằng 86,6% kế hoạch năm, giảm 4% so với năm trước. Kịch bản 2, nếu dịch ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 12 thì giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 560.000 tỷ đồng, bằng 69,7% kế hoạch năm, giảm 24,7% so với năm trước; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 22,15 tỷ USD, bằng 75,1% kế hoạch năm, giảm 16,8% so với năm trước. Với tinh thần nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa trong năm nay ở mức cao nhất, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị đẩy nhanh việc triển khai và hướng dẫn cụ thể về việc thực thi các chính sách hỗ trợ DN. Đồng thời, Sở Công Thương tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: Xem xét, bố trí ứng vốn cho các địa phương, đơn vị sự nghiệp tiến hành giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp; khuyến khích các DN có năng lực đầu tư hạ tầng tại một số cụm công nghiệp nhằm tạo đột phá trong việc thu hút thêm các dự án mới; xem xét, phê duyệt mức hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ. Ngành Công Thương tỉnh cũng mong muốn các ngành, đơn vị liên quan cùng các địa phương tích cực phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng các DN trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư thực hiện các dự án; tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với DN để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó có biện pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả…