Nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng:
(Bài 2) Những giải pháp từ ngành ngân hàng
Hàng nghìn doanh nghiệp, cá nhân đã và đang nhận được sự hỗ trợ từ phía các NH, qua đó giúp phần nào giảm bớt khó khăn trong hoạt động. Trong ảnh: Sản xuất dụng cụ cầm tay tại Công ty TNHH Một thành viên Tam Hữu, T.P Sông Công. |
Mặc dù chưa có con số chính xác về mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với ngành ngân hàng (NH) nhưng có một thực tế đó là các NH đều đang phải đối mặt với lợi nhuận bị giảm sâu, khó có khả năng hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu. Chính vì thế, ngay khi tình hình dịch bệnh trong nước lắng xuống, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kết thúc, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường, hàng loạt các giải pháp đã được các NH đưa ra nhằm giảm thiểu tác động. Ghi nhận của chúng tôi tại một số NH.
Là một trong 8 chi nhánh NH thương mại (NHTM) Nhà nước đang hoạt động trên địa bàn với dư nợ cho vay doanh nghiệp (DN) khá cao, vì thế, trước bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên đã, đang và sẽ chịu tác động tiêu cực không nhỏ. Theo ông Trần Thùy Dương, Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên: Hoạt động NH gắn chặt với hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của DN, người dân. Vì thế, khi “sức khỏe” của khách hàng bị ảnh hưởng sẽ khiến hoạt động của NH trực tiếp bị tác động tiêu cực. Điều này thể hiện qua việc: Hoạt động tín dụng ít sôi động; nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng của khách hàng sụt giảm. Cụ thể, doanh số giải ngân 4 tháng đầu năm của Chi nhánh chỉ đạt 2 nghìn tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019); tần suất giao dịch tại quầy giảm... Ước tính, tổng thu phí dịch vụ 4 tháng qua giảm khoảng 8% so với cùng kỳ.
Còn ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh thì cho rằng: Đây là thực trạng chung của các NH, thậm chí có NH chỉ mới hết tháng 4 nhưng lợi nhuận đã giảm tới 30-40% so với cùng kỳ, trong khi đó, theo nhận định chung của đại diện nhiều chi nhánh thì khó khăn đối với ngành NH chỉ mới bắt đầu vì theo dự báo, đến cuối quý II, sự tác động của dịch bệnh mới thực sự rõ rệt đến các NH do 1 chu kỳ sản xuất, kinh doanh của DN thường kéo dài từ 4-6 tháng và đây cũng là thời điểm mà các DN đến kỳ trả nợ. Bởi thế, thời gian này, các NH đang phải tiết giảm tối đa mọi chi phí, trong đó có việc giảm lương, để có điều kiện giảm phí và lãi cho khách hàng. Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, cũng là nhằm gia tăng dư nợ, nhiều NH cũng đang tích cực giảm các thủ tục có liên quan, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc hạ điều kiện cho vay.
Cùng chung quan điểm với ông Bùi Văn Khoa và ông Trần Thùy Dương, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Lưu Xá cho rằng: Trước sự ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế nói chung, từng DN nói riêng thì bất cứ sự hỗ trợ nào dành cho DN cũng đều rất ý nghĩa. Chính vì thế, VietinBank Lưu Xá luôn nghiêm túc thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của NH Nhà nước cũng như VietinBank. Theo đó, trong tổng số trên 2.500 tỷ đồng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 4 thì Chi nhánh đã thực hiện giảm lãi suất cho gần 800 tỷ đồng (cả dư nợ hiện hữu và cho vay mới), với mức phổ biến từ 0,2-0,5%/năm, cao nhất lên tới 2%/năm. Ngoài ra, một số khách hàng cũng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ… VietinBank Lưu Xá quan niệm, giúp DN cũng là giúp chính mình. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này luôn được Chi nhánh thực hiện đúng người, đúng việc, nhằm tránh tình trạng DN lợi dụng để che giấu nợ xấu.
Giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang khi tiếp xúc… là một trong các giải pháp để ngành ngân hàng phòng, chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Giao dịch tại Chi nhánh SHB Thái Nguyên.
Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên - đơn vị có dư nợ cho vay DN lớn nhất trong hệ thống NH trên địa bàn, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Chi nhánh chia sẻ: Tính đến cuối tháng 4, BIDV Thái Nguyên đã cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay mới (phát sinh từ cuối tháng 1-2020) và lãi suất hiện hữu với tổng số tiền lên tới trên 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng dư nợ của Chi nhánh. Với sự hỗ trợ này, BIDV Thái Nguyên bị giảm khoảng 5,1 tỷ đồng tiền lãi. Dự kiến đến cuối tháng 6, dư nợ được hỗ trợ sẽ là 7,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm số lãi khoảng 8,3 tỷ đồng, cho gần 900 khách hàng…
Ngoài ra, theo đại diện nhiều NH khác trên địa bàn thì hiện các chi nhánh đều đang rất tích cực đẩy mạnh công tác khách hàng, tận dụng và triển khai có hiệu quả các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ mà Hội sở chính đưa ra; chú trọng chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn huy động, nâng cao chất lượng phục vụ, khai thác tốt mọi lợi thế cạnh tranh về công nghệ nhằm thu hút khách hàng, đồng thời cũng giúp giảm các chi phí liên quan để có cơ sở giảm lãi suất cho vay…
Có thể nói, với những giải pháp mà các Chi nhánh NH trên địa bàn tỉnh đã, đang và sẽ triển khai, hệ thống NH trên địa bàn tỉnh kỳ vọng ngành NH sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, muốn đạt được điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, phục hồi của các DN và việc triển khai thực hiện các gói tài khóa của Chính phủ. Một điều khác mà các NH hiện vẫn hết sức chú trọng và cảnh giác đó là diễn biến dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp trên thế giới nên có thể bùng phát trở lại tại Việt Nam bất cứ lúc nào. Vì thế, việc phòng, chống dịch hiện vẫn đang được các NH chú trọng thực hiện. Để làm được điều này vẫn cần sự chung sức của mỗi khách hàng và người dân.