Nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng:
(Bài 3) Ngành Nông nghiệp tập trung khôi phục sản xuất
Hợp tác xã nông nghiệp thương mại An Khang, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 200-250 tấn gà ri. |
Cùng với các ngành nghề, lĩnh vực khác, ngành Nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động bởi dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm cũng như nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất bị ảnh hưởng. Trước đó, ngành này còn chịu tác động bởi dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng. Sau khi Chính phủ công bố hết thời gian giãn cách xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp đang triển khai triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Sau khi hết thời gian cách ly toàn xã hội, các nhà hàng, quán ăn dần mở cửa trở lại nên việc tiêu thụ gà của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại An Khang, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Khang, Giám đốc HTX phấn khởi chia sẻ: Thời điểm này, giá gà ri xuất chuồng của chúng tôi đã đạt trung bình 54 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 4. Trước đây, chúng tôi chỉ nuôi trung bình 3 tháng là xuất bán, nhưng từ khi xuất hiện dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ gà chậm nên nhiều hộ đã phải nuôi lên đến 4-5 tháng. Điều này vừa tốn thêm chi phí để mua thức ăn, vừa khiến việc quay vòng đồng vốn bị kéo dài và ảnh hưởng cả đến thời gian nuôi lứa gà tiếp theo. Tuy nhiên, với việc tăng giá gà tại thời điểm này đã giúp các hộ chăn nuôi cắt lỗ và bắt đầu có lãi.
Xuất bán sản phẩm tại Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương).
Còn tại Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) những ngày này, các hộ dân đều đã mở cửa bán hàng trở lại. Bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng Ban quản lý Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho hay: Hiện nay, đa phần các hộ dân đều đã gói bánh, bán hàng trở lại, mặc dù số lượng bán ra còn ít. Nguyên nhân là do xe khách đi lại chưa nhiều, cộng với thời tiết nắng nóng nên bánh làm ra cũng không bảo quản được lâu, lượng khách mua cũng giảm. Để khắc phục, chúng tôi đã gói đa dạng các loại bánh nhỏ với giá từ 15, 17, 20 nghìn đồng/chiếc thay vì gói bánh loại to như trước đây là 30, 40 nghìn đồng/chiếc. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn do giá cước vận chuyển tăng. Nếu như trước đây, 1 thùng bánh nặng 50kg chúng tôi chỉ mất cước là 50 nghìn đồng thì nay tăng lên 80-90 nghìn đồng, mỗi chiếc bánh chỉ còn được lãi 1 nghìn đồng, giảm trung bình 4 nghìn đồng/chiếc. Mặc dù vậy nhưng chúng tôi bảo nhau vẫn phải duy trì sản xuất để giữ khách. Chúng tôi cũng rất phấn khởi khi được Nhà nước miễn thuế kinh doanh trong tháng 5 và tháng 6, đây là động lực giúp bà con từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đối với HTX chè Thủy Thuật, ở xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), đơn hàng đi các tỉnh bạn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, T.P Hồ Chí Minh cũng đã được kết nối trở lại. Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Viết Thuật, Phó Giám đốc HTX chè Thủy Thuật cho biết: Để có những mẻ chè ngon thì chúng tôi phải thu hái đúng lứa. Nếu để quá lứa chè sẽ bị ban, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, dù việc vận chuyển, tiêu thụ chè có bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 một thời gian nhưng việc thu hái, sao chè và bảo quản chè của HTX vẫn diễn ra bình thường. HTX có 9 thành viên, trước đây, trung bình mỗi tháng sản xuất, tiêu thụ trên 1 tấn chè búp khô. Thời điểm giãn cách xã hội, HTX chỉ tiêu thụ được 1, 2 tạ/tháng nhưng từ đầu tháng 5 đến nay đã tiêu thụ được hơn 20 tạ chè búp khô.
Đóng gói sản phẩm chè tôm nõn tại Hợp tác xã chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên).
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực sản xuất của ngành Nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt, với việc thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Trung ương và tỉnh về việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, các trường học chưa mở cửa cho học sinh trở lại trường đã khiến lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bị giảm mạnh, nhiều sản phẩm cũng không thể xuất khẩu. Cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ dân chưa dám tái đàn, ảnh hưởng đến thu nhập. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp, HTX đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm vừa đảm bảo chống dịch, vừa khôi phục sản xuất. Cùng với đó, cắt giảm tối đa chi phí và huy động các nguồn lực để tái đầu tư sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Trước thực trạng trên, liệu ngành Nông nghiệp có hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020? Về nội dung này, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Dự báo, nếu dịch COVID-19 tiếp tục được Việt Nam kiểm soát tốt, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hằng ngày của người dân dần ổn định trở lại, là cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm, bù đắp phần nào những thiệt hại do dịch bệnh gây ra thì ngành Nông nghiệp vẫn có khả năng hoàn thành kế hoạch năm. Để góp phần hạn chế tác động của dịch bệnh, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương duy trì ổn định và phát triển sản xuất, đẩy mạnh chăm sóc, thu hoạch vụ đông xuân; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đầu vào cho sản xuất vụ mùa, tăng cường gieo cấy hết diện tích. Cùng với đó, tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại; duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển mạnh các loại cây cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng như: Lúa, các loại rau, củ, quả ngắn ngày…
Qua 3 lĩnh vực mà chúng tôi thực hiện khảo sát là công nghiệp, ngân hàng và nông nghiệp đã cho thấy, nhờ sự nỗ lực quyết liệt trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh của cấp ủy, chính quyền các cấp nên tình hình dịch bệnh đã sớm được kiểm soát. Nhờ đó, các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất kinh doanh sớm được hoạt động trở lại. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp nhằm khắc phục những thiệt hại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh việc liên kết sản xuất để bù đắp những ảnh hưởng mà dịch bệnh gây ra, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, đóng góp và chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh. Qua đó, góp phần hiện thực hóa thực hiện nhiệm vụ kép đó là, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch.