Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trà Thái Nguyên
Ngày 6-11, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trà Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án. Đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị (ảnh).
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trà Thái Nguyên giai đoạn 2013-2015 và 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành xây dựng 5 dự án thành phần gồm: Sưu tầm, phục hồi và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với cây chè tại các vùng chè lớn của tỉnh; Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, găn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa vật thể phi vật thể trà Thái Nguyên; Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể phi vật thể trà Thái Nguyên; nghiên cứu, truyền thông tác dụng của cây chè đối với đời sống và sức khỏe con người với sự phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên; Tổ chức Festival Trà Thái Nguyên- Việt Nam định kỳ.
Theo báo cáo của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến nay các dự án mới chỉ thực hiện tổng thể, các dự án thành phần chưa được phê duyệt; chưa xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư vào các dự án thành phần. Các ngành bước đầu thực hiện công việc tập hợp các dữ liệu và các nguồn tài liệu khoa học phục vụ đề án, chưa có tổng hợp, cập nhật và bổ sung liên tục. Để thực hiện tốt các nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành cần chủ động và tích cực hơn trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án; Cơ quan thường trực là ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần chủ động tham mưu để Ban chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xây dựng các kho dữ liệu về trà và văn hóa trà Thái Nguyên.
Về hoạt động tổ chức Festival trà năm 2015, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành cần xây dựng phương án tổ chức tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, bảo đảm trang trọng nhưng hướng vào mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế ngành chè đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, Festival trà 2015 sẽ cắt giảm các nội dung thể thao, chỉ tổ chức một hội chợ trà, không tổ chức lễ hội carnaval... Ban chỉ đạo cũng đã đề xuất phương án tổ chức Festival trà định kỳ từ 2 năm/lần lên 3 hoặc 5 năm/lần, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động này và có những đánh giá, tổng kết phù hợp với quá trình xây dựng vùng chè, thương hiệu chè và tiến độ thực hiện các dự án chế biến, sản xuất chè toàn tỉnh.