Cảng Đa Phúc - “Thực” chưa xứng với “danh”

Cập nhật: Thứ bẩy 14/05/2022 - 07:41
 Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cầu cảng của Công ty TNHH Thắng Lá hiện giảm so với những năm trước.
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cầu cảng của Công ty TNHH Thắng Lá hiện giảm so với những năm trước.

Là cảng nội địa duy nhất trên địa bàn, thời gian qua, cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên) là nơi trung chuyển hàng hóa lớn của tỉnh. Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa chặt chẽ và hạ tầng còn hạn chế nên cảng Đa Phúc chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Đa Phúc là cảng nội địa duy nhất trên địa bàn tỉnh, nằm trên sông Cầu nên lượng hàng hóa trung chuyển từ Thái Nguyên đi các nơi và ngược lại rất lớn. Đặc biệt, những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, xây dựng, khai khoáng đã khiến lượng hàng hóa trung chuyển qua đây ngày càng nhiều.

Hiện nay, cảng Đa Phúc có 16 cầu cảng và hệ thống kho, bãi đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa. Cùng với đó, do lòng sông Cầu sâu nên có thể tiếp nhận được các tàu hàng có trọng tải từ 1.000-1.200 tấn. Đây là những lợi thế để cảng Đa Phúc trở thành địa điểm trung chuyển hàng hóa lớn ở khu vực miền núi phía Bắc. Về hạ tầng, Cụm cảng Đa Phúc đã được một số đơn vị xây dựng cầu cảng, như: Cầu cảng của Công ty TNHH Thắng Lá, cảng của Công Ty CP Phát triển Xây dựng Thương bại Tùng Bách, cảng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Dung Quang, đều được đầu tư khá bài bản, hiện đại, có với năng lực bốc, xếp hàng vạn tấn hàng hóa mỗi ngày.

Ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện Công ty TNHH Thắng Lá, cho biết: Hiện nay, đơn vị có 2 cầu cảng, thực hiện bốc xếp các loại hàng hóa, như: Than, quặng, vật liệu xây dựng, gỗ băm. Cùng với đó là hệ thống kho bãi rộng hàng nghìn m2 nên có thể bốc xếp khoảng 1 vạn tấn hàng hóa/ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng hàng hóa trung chuyển qua đây giảm, chỉ bằng 50% so với những năm trước. Nguyên nhân là do lượng than, quặng trung chuyển giảm…

Còn ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vượng Hương, chia sẻ: Bến cảng của đơn vị thực hiện bốc xếp than và cát sỏi, nhưng đã hơn 1 tháng nay, chúng tôi hoạt động cầm chừng, có ngày không có hàng hóa để bốc xếp do nhiều tàu thực hiện bốc xếp bên bờ sông Cầu phía Hà Nội. Do các bến cảng phía Hà Nội hoạt động không phép nên giá cước bốc xếp rất thấp. Còn các đơn vị được cấp phép phải bỏ vốn xây dựng cầu cảng, nộp thuế, đóng góp để thực hiện công tác bảo vệ môi trường nên chi phí cao hơn, khó cạnh tranh.

Theo ông Lê Quang Trung, Trưởng đại diện cảng Đa Phúc: Năng lực bốc xếp hàng hóa ở cảng Đa Phúc khá lớn, gần 3 triệu tấn/năm, nhưng các doanh nghiệp đầu tư xây bến cảng vẫn hoạt động theo hình thức “mạnh ai nấy làm”. Thêm nữa, hiện nay, tại cảng Đa Phúc chỉ có 12/16 bến cảng được cấp phép, 4 bến cảng còn lại hoạt động không phép. Còn bên bờ phía Hà Nội, chủ yếu hoạt động trung chuyển cát sỏi, nhưng không được cấp phép. Theo quy định, đơn vị chúng tôi chỉ quản lý được những bến cảng cấp phép. Thẩm quyền xử lý các bến không phép chủ yếu thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. 

Ngoài những khó khăn, bất cập trên, hiện tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ các bến cảng ra Quốc lộ 3 khá hẹp, là đường dân sinh, trong khi đó, các phương tiện chở hàng chủ yếu là ô tô trong tải lớn nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, phần lớn hàng hóa trung chuyển tại đây rất dễ phát sinh bụi, gây ô nhiễm môi trường.

Thái Nguyên đang trên đà phát tiển mạnh về công nghiệp, xây dựng, khai khoáng nên nhu cầu vận chuyển các loại vật liệu xây dựng, than, quặng rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư phát triển cảng Đa Phúc sẽ giúp hoạt động vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Tuy nhiên, để cảng Đa Phúc thực sự phát huy được tiềm năng, lợi thế, theo đại diện các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có cơ chế quản lý quy hoạch, hoạt động chặt chẽ theo quy định. Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông và hệ thống các công trình bảo vệ môi trường để cảng Đa Phúc phát triển xứng với tiềm năng của cảng nội địa duy nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Dương Hưng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: