Chống úng ngập ở T.P Thái Nguyên: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Cập nhật: Thứ năm 06/05/2021 - 08:33
 Tình trạng úng ngập cục bộ mỗi khi trời mưa to thường xuyên xảy ra trên đường Minh Cầu, T.P Thái Nguyên (ảnh chụp sáng 5/5/2021). Ảnh: T.H
Tình trạng úng ngập cục bộ mỗi khi trời mưa to thường xuyên xảy ra trên đường Minh Cầu, T.P Thái Nguyên (ảnh chụp sáng 5/5/2021). Ảnh: T.H

Thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp cải tạo hệ thống hạ tầng, nạo vét cống hộp, đồng thời chủ động triển khai các phương án ứng phó với tình trạng ngập úng. Nhờ đó, trong mùa mưa bão, một số điểm úng ngập cục bộ trên địa bàn thành phố đã được xóa bỏ hoặc cải thiện. Tuy nhiên, tại một số tuyến phố, khu dân cư vẫn còn tình trạng ngập úng, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Cơn mưa rạng sáng 5-5 đã khiến cho nhiều tuyến đường trên địa bàn T.P Thái Nguyên bị ngập nước, gây khó khăn cho việc lưu thông của nhiều người dân, nhất là đối với việc đến trường của học sinh và đi làm của cán bộ, công chức. Các đoạn ngập sâu từ 10-40cm có thể kể đến như: Đường Minh Cầu; cụm công nghiệp số 2 thuộc tổ 2, phường Tân Lập; tổ 13, phường Gia Sàng; cổng Trường Mầm non 19-5 trên đường Hoàng Văn Thụ; khu vực đèn tín hiệu giao thông tại dốc Z59, đường Quang Trung… Tại một số điểm ngập úng, lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt ngay từ đầu giờ sáng để cảnh báo, phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân không đi vào khu vực ngập sâu và hỗ trợ một số phương tiện bị chết máy do ngập nước.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Huy Thuyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và công trình đô thị T.P Thái Nguyên chia sẻ: Để đảm bảo việc tiêu thoát nước được nhanh chóng, ngay khi có hiện tượng mưa to, Công ty đã yêu cầu công nhân trực trên các tuyến đường thực hiện vớt rác tại các miệng hố ga, cống tiêu thoát nước nhưng mới chỉ hạn chế được một phần tình trạng ngập úng. Còn ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên thì thông tin: Trong quý I, chúng tôi đã tiến hành nạo vét, hút bùn trên 6.300m cống ngầm tại một số tuyến đường chính, thường xuyên xảy ra ngập úng như: Minh Cầu, Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến… Dự kiến trong quý II, đơn vị sẽ nạo vét là 4.200m cống ngầm. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên chúng tôi mới chỉ thực hiện  được việc nạo vét ở một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố.

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên nạo vét cống thoát nước tại
khu dân cư số 1, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên).

Có thể thấy, thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện tình trạng ngập úng. Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói: Để giảm thiểu tình trạng ngập úng, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động xây dựng phương án và tiến hành nạo vét hệ thống truyền dẫn ở các trục tiêu thoát nước chính. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2020, thành phố đã nạo vét, khơi thông 2.700m3 bùn đất trên các tuyến kênh mương, cống hộp, cống ngầm của hệ thống thoát nước; nạo vét, thông hút 9.800m cống ngầm. Cùng với đó, đầu tư sửa chữa, cải tạo trên 1.660m tuyến mương thoát nước và các điểm cống bị sập, thay thế mới 600 tấm đan cống hộp, xây 41 hố ga thu nước mặt đường và thay thế 37 tấm gang hư hỏng trên một số tuyến đường. Ngoài ra, thành phố cũng đã tiến hành xây dựng hệ thống mương thoát nước, giảm ngập úng ở khu dân cư tổ 4, 5, 6 phường Quang Trung (thuộc khu vực Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và Trường THPT Thái Nguyên); xây dựng hệ thống kênh mương khắc phục ngập úng tại tổ 18, phường Phan Đình Phùng… Nhờ đó đã giảm được một số điểm ngập úng tại các khu dân cư.

Với những nỗ lực của chính quyền, T.P Thái Nguyên đã cải thiện được phần nào tình trạng ngập úng ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh khiến hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, xảy ra hiện trạng một số khu dân cư mới được xây dựng chưa thực hiện đấu nối với hệ thống thoát nước của thành phố, có nơi việc xây dựng còn làm hẹp lòng chảy của hệ thống thoát nước. Mặt khác, diện tích các ao, hồ chứa nước cũng ngày càng bị thu hẹp dần, lòng các khe, suối bị cũng bị lấn chiếm, kè đá làm thu hẹp và chuyển hướng dòng chảy… Vì vậy, trong mùa mưa bão năm nay, vẫn còn một số điểm có khả năng xảy ra ngập úng khi có mưa to, như: Đoạn cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trên đường Lương Ngọc Quyến; khu vực ngã tư giao cắt giữa đường Lương Ngọc Quyến và đường Phan Đình Phùng; ngã tư giao cắt giữa đường Minh Cầu và đường Hoàng Văn Thụ; quốc lộ 1B cũ đoạn qua trụ sở UBND phường Đồng Bẩm - đầu cầu Gia Bẩy... 

Vậy, đâu là giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố? Theo quan điểm của các chuyên gia, song hành với các giải pháp đã thực hiện, T.P Thái Nguyên cần triển khai thi công các dự án cải tạo, chỉnh trang, khắc phục sự cố của hệ thống thoát nước. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch lại đồng bộ, tổng thể hệ thống thoát nước với tầm nhìn dài hạn, trong đó, chú trọng cải thiện về năng lực vận hành của hệ thống thoát nước hiện có và kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước giữa các khu vực, bảo đảm liên thông. Về phía chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ công trình tiêu thoát nước. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lấn chiếm, làm thay đổi dòng chảy… Đối với mỗi người dân, tuyệt đối không được xả rác, bùn đất, cát sỏi bừa bãi xuống hệ thống cống thoát nước để duy trì dòng chảy luôn thông thoáng và chủ động dọn dẹp rác trên miệng hố gas để đảm bảo việc tiêu thoát nước được nhanh chóng khi xảy ra mưa bão.

Lương Hạnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: