Chuyện nhà nông học nghề nông
Học viên lớp dạy nghề tại Định Hóa thực hành tiêm vắc-xin cho gà. Ảnh: T.L |
Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh là một trong những địa chỉ đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn. Sau đào tạo nghề nông nghiệp, hầu hết nông dân đã có tư duy sản xuất mới. Việc đầu tư cho sản xuất đã có kế hoạch, khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chuyện học nghề nông nghiệp, ông Phương Quốc Bình, xóm Làng Cháy, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), tâm đắc: Sau khi được đào tạo, tôi nhận thấy trước đó mình sản xuất chủ yếu bằng kinh nghiệm truyền thống, thiếu rất nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật. Nhờ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề nông, tôi tự tin hơn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Còn bà Từ Thị Thắm, xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm lúa, chè. Sau tham gia lớp học trồng và nhân giống nấm, tôi có thêm một cánh đồng mới trồng nấm ngay trên phần đất cũ của gia đình. Nhờ đó gia đình tôi có thêm thu nhập, đời sống kinh tế ổn định hơn.
Ông Bình, bà Thắm là hai trong số gần 2.000 nông dân tại Thái Nguyên được Nhà nước hỗ trợ, tham gia lớp đào tạo nghề nông nghiệp do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức trong thời gian 10 năm gần đây. Đánh giá của Trung tâm cho thấy, sau đào tạo, hầu hết người học đã tổ chức lại việc sản xuất trong gia đình. Nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm nhờ nghề mới, hoặc làm nghề cũ nhưng tổ chức lại khoa học hơn, thu nhập tăng cao hơn.
Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, cho biết: Đã có hơn 60 lớp đào tạo nghề được Trung tâm tổ chức, mỗi lớp không quá 3 tháng. Đối tượng học nghề là nông dân, nên Trung tâm lựa chọn phương pháp đào tạo chủ yếu là “cầm tay chỉ việc”. Phần lý thuyết khoảng 20%, còn lại dành thời gian cho thực hành. Chính vì thế mà ngay sau khóa học, 100% nông dân được cấp chứng chỉ nghề, họ có thể thực hành thành thạo các thao tác kỹ thuật để làm ra sản phẩm của nghề được đào tạo.
Từ mô hình ao - vườn, gia đình ông Phương Quốc Bình, xóm Làng Cháy, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nông dân, hằng năm, Trung tâm chủ động phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức rà soát, nắm bắt về nhu cầu cần đào tạo của hội viên. Đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn nghề học phù hợp cho hộ nông dân có nhu cầu đào tạo.
Trong thời gian từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã tổ chức hơn 1.000 buổi tuyên truyền, tư vấn nghề học, với gần 30.000 lượt người tham gia. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của nông dân, Trung tâm cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức chiêu sinh, mở lớp đào tạo, chủ yếu là các nhóm ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, nhóm ngành nông nghiệp tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: Chăn nuôi thú y; kỹ thuật trồng trọt, trồng và chế biến chè an toàn; trồng nấm...
Nhờ có phương pháp truyền đạt đơn giản, dễ học, dễ hiểu, đồng thời giữa thầy dạy và người học luôn có sự gần gũi, thân thiện, kiến thức luôn được bổ sung, nội dung đào tạo thiết thực nên hầu hết học viên nắm chắc được kiến thức cơ bản ngay trên lớp. Đối với các lớp chăn nuôi, thú y, học viên được trực tiếp thực hành mổ khám động vật để chẩn đoán bệnh trên vật nuôi. Còn các lớp trồng trọt, học viên được tham quan thực địa, tham gia trồng các loại rau màu, trồng hoa, cây cảnh, chè, nấm.
Đặc biệt, cuối kỳ học, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức hội thảo, thảo luận về việc khởi nghiệp bằng nghề học. Qua đó, khơi dậy trong mỗi học viên nghị lực vượt lên chính mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Nhất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Tiến (Võ Nhai), nói: Sau đào tạo nghề, nông dân được trang bị và bổ sung kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, bà con đã mạnh dạn kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống với khoa học kỹ thuật tiên tiến vào công việc sản xuất. Theo đó là "cánh cửa" thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đángđược mở rộng hơn... Những nông dân được đào tạo nghề đã nhanh chóng làm thay đổi “số phận” mình. Bởi họ làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi.
Ông Phan Văn Lực, xóm Đạt, xã An Khánh (Đại Từ), là một minh chứng. Ít năm trước, ông tham gia lớp đào nghề nuôi ong. Tại đây, ông Lực được trang bị những kiến thức cơ bản về nuôi, chăm sóc ong mật. Từ 3 năm gần đây, ông duy trì nuôi từ 80 đến 100 đàn ong, thu về gần 1.000 lít mật/năm.
Cũng từ sau khi tham gia đào tạo nghề, nhiều nông dân chủ động liên kết lại để tạo thành mô hình kinh tế mạnh hơn, như: mô hình Tổ hợp tác Lâm sinh xã Yên Đổ (Phú Lương) hay mô hình Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Đông Thịnh, xã Tân Khánh (Phú Bình), từ sau liên kết hợp tác sản xuất, thu nhập của hộ thành viên tăng hơn từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/hộ/năm.
Ngoài ra, sau khi tham gia các lớp dạy nghề, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ bà con thông qua việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các chính sách tín dụng. Hiện, Hội nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng, gần 24.000 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ cho hơn 13.000 hộ vay, với tổng vốn hơn 1,5 tỷ đồng. Nhờ được đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn kịp thời, nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh.