Đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão
Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra mực nước tại hồ Gò Miếu, xã Ký Phú (Đại Từ). |
Toàn tỉnh hiện có 251 hồ chứa nước, 752 đập dâng cùng 267 trạm bơm tưới. Ngoài cung cấp nước phục vụ sản xuất, các công trình này còn có nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ, giảm ngập úng cục bộ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa bão. Chính vì vậy, việc giữ an toàn cho các hồ đập có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản và sản xuất của nhân dân.
Trước mùa mưa bão năm nay, các đơn vị được giao quản lý, khai thác hồ đập đã chủ động kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng phương án cụ thể cho từng công trình. Đơn cử như tại hồ Gò Miếu, xã Ký Phú (Đại Từ), công trình tưới nước cho trên 850ha lúa của các xã: Ký Phú, Cát Nê, Vạn Thọ, Văn Yên… thời điểm này cơ bản không có tình trạng sạt lở, hư hỏng thân đập, mái đập. Chị Phạm Thị Hải Yến, Cụm trưởng Cụm quản lý hồ Gò Miếu khẳng định: Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình cho thấy, mái đập, thân đập không rò rỉ, sạt lở, hệ thống tràn hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, tuyến đường vào hồ cũng đã được cải tạo, nâng cấp nên việc đi lại, ứng cứu trong mùa mưa bão được thuận tiện và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, chúng tôi vẫn thường xuyên tuần tra, canh gác, nhất là vào những ngày có mưa lũ để có phương án điều tiết mực nước hồ hợp lý. Đồng thời, dự trữ đầy đủ các loại vật tư như: Bao tải, xe rùa, phao cứu sinh, rọ thép… để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Tương tự, tại hồ Phượng Hoàng, xã Cù Vân (Đại Từ), việc tu bổ hệ thống kênh mương, bổ sung vật tư phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và bảo dưỡng máy móc, thiết bị cơ khí cũng đã được đơn vị quản lý tiến hành khẩn trương từ tháng 3. Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Huy Hoàng, Cụm trưởng Cụm quản lý công trình hồ Phượng Hoàng cho biết: Vào mùa mưa, chúng tôi bố trí cử 2 cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình diễn biến thời tiết và có biện pháp xử lý kỹ thuật nhằm tránh để xảy ra những sự cố. Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn để công tác vận hành đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể như: Cung cấp kịp thời tới địa phương các thông tin về vận hành hồ chứa, xả lũ, cảnh báo lũ; phối hợp kiểm tra hàng lang an toàn hồ chứa; tuyên truyền, vận động bà con nạo vét kênh mương, đảm bảo thoát nước, tránh ngập úng diện tích lúa và hoa màu.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, đa phần các hồ, đập đều vẫn vận hành ổn định nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi do bị xuống cấp. Bởi, một số hồ chứa nhỏ được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, qua thời gian sử dụng đã bị xuống cấp cần được cải tạo, sửa chữa. Cụ thể như tại hồ Suối Diễu, xã Khôi Kỳ (Đại Từ), đập đất xuất hiện nhiều vùng thấm ở mái hạ lưu, diện tích các vùng thấm khoảng 60m2. Còn tại hồ Bó Vàng, xã Thanh Định (Định Hóa) cũng có hiện tượng thấm mái hạ lưu, chân đập xuất hiện mạch sủi, ta-luy 2 bên tràn xả lũ bị sạt lở đất. Đối với hồ Nà Mạt, xã Ôn Lương (Phú Lương), mái hạ lưu đập bờ hữu bị sạt lở ăn vào sườn đồi; tràn xả lũ mái bờ tả bị sạt lở nhiều.
Nhân viên Trạm Khai thác thủy lợi Đại Từ vận hành, kiểm tra thiết bị cơ khí điều tiết nước ở hồ Phượng Hoàng, xã Cù Vân.
Theo nhận định của cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm nay, thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường. Đặc biệt, mưa lớn xảy ra ngày một nhiều hơn, lượng nước đổ về các hồ trong khoảng thời gian ngắn rất lớn, gây khó khăn trong việc điều tiết lũ, gây nguy cơ mất an toàn hồ đập và gây ngập lụt vùng hạ du. Đặc biệt, hiện nay, các hồ đập chỉ an toàn với diễn biến thời tiết mưa lũ bình thường. Nếu nếu xảy ra tình trạng mưa lũ dồn dập, vượt tần suất thiết kế sẽ gây nước dâng đột ngột phía thượng lưu, làm ngập lụt vùng hạ lưu và gây áp lực đối với các công trình đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước. Trước những vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh có kế hoạch đánh giá chất lượng từng công trình để đầu tư sửa chữa, duy tu các công trình đã bị xuống cấp. Đối với các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình có kế hoạch tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý hồ đập cho người trực tiếp vận hành để có biện pháp xử lý kỹ thuật ngay từ giờ đầu khi xảy ra sự cố.
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, anh Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị được giao quản lý, khai thác các công trình hồ đập trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai năm 2020. Cùng với việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, Chi cục cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, xây dựng phương án ứng phó với nhiều kịch bản sự cố và tổ chức kiểm tra, theo dõi sát các công trình nhằm kịp thời xử lý những hạng mục có thể gây mất an toàn trong mùa mưa lũ.