Phú Bình
Đất “tặc” hoạt động rầm rộ - chủ mỏ đất hợp pháp gặp khó khăn
Điểm khai thác đất trái phép tại xóm Thi Đua, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). |
Thời gian qua, cơ quan chức năng của huyện Phú Bình đã tăng cường xử lý các hoạt động khai thác đất (vật liệu san lấp mặt bằng) trái phép, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá ngang nhiên, rầm rộ. Điều này, không chỉ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các chủ mỏ đất hoạt động đúng pháp luật.
"Trộm" đất ngang nhiên
Ngay từ đầu giờ sáng ngày 24-2, tại xóm Thi Đua, thị trấn Hương Sơn chúng tôi đã thấy những chiếc máy xúc và xe tải chở đất hoạt động tấp nập tại khu vực đồi sau nhà ông Tuấn (một hộ dân ở xóm). Không biết, điểm khai thác đất trái phép này hoạt động từ bao giờ, nhưng đến nay, một nửa quả đồi đã bị san bằng, với hàng nghìn khối đất đã được vận chuyển đi nơi khác.
Anh Dương Văn H, nhà ở cạnh đó cho biết: Điểm khai thác đất trái phép này xuất hiện từ đầu tháng 1-2019 đến nay. Hằng ngày có gần 10 chiếc xe tải chở đất chạy liên tục, với tần suất 50-60 lượt/ngày. Dù các xe có che bạt, nhưng đất vẫn rơi xuống đường gây ra bụi và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Điểm khai thác này được chủ nhà là ông Tuấn bán cho một “đầu nậu” tên G. Sau đó, “đầu nậu” này cho phương tiện vào khai thác…
Đầu giờ chiều cùng ngày, tại xóm Đồng Ca, xã Tân Hòa, chúng tôi thấy một chiếc máy múc đang múc đất đổ lên 2 chiếc xe tải để chở đi. Qua tìm hiểu của chúng tôi, điểm khai thác trái phép này được một “đầu nậu” tên C. mua lại của nhà ông P ở xóm Đồng Ca. Sau đó, ông C cho phương tiện vào múc đất để bán.
Ngoài 2 điểm khai thác đất trái phép như đã nói, trên địa bàn huyện Phú Bình còn một số điểm khác, như: Khu vực gần Đài tưởng niệm huyện và một điểm nhỏ ở xã Xuân Phương… Đặc biệt, một số xe chở đất trái phép còn sử dụng lô gô xe của mỏ đất Phú Cường (đã được cấp phép) ở xã Tân Hòa và ngang nhiên chạy trên đường.
Theo tìm hiểu của P.V, đất khai thác trộm được chở đến một số dự án trên địa bàn huyện, một phần được chở xuống huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang)…
Chủ mỏ đất được cấp phép gặp khó
Các hoạt động khai thác đất trái phép rầm rộ như vậy đã đem lại nguồn lợi kinh tế bất hợp pháp cho nhiều đối tượng, bởi không phải mất thời gian và chi phí cho việc xin cấp quyền khai thác mỏ cũng như không phải nộp phí bảo vệ môi trường và thuế… Vì vậy, các đối tượng khai thác đất trộm bán đất với giá rất thấp. Điều này đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp có mỏ đất đã được cấp phép.
Ông Đoàn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Phú Cường, có địa chỉ tại xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi đã được cấp phép khai thác mỏ đất xã Tân Hòa, với diện tích hơn 15ha, trữ lượng 66 triệu m3, thời gian khai thác là 13 năm. Hiện chúng tôi đã nộp gần 1,3 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác mỏ. Đơn vị tiến hành khai thác từ đầu tháng 1-2020, với mức giá bán tại mỏ là 30 nghìn đồng/m3. Nhưng đến thời điểm này, giá bán chỉ còn 18 nghìn đồng/m3. Trừ mọi chi phí, như: Máy múc, công nhân, người trông coi thì lỗ, nhưng vẫn phải bán để giữ khách, duy trì việc làm cho người lao động.
Còn ông Dương Văn Quang, Quản lý Mỏ đất ở xóm Ngoài, xóm Giữa (xã Xuân Phương) cho biết: Hiện nay, nguồn đất của Mỏ chủ yếu phục vụ các dự án của Công ty đang thực hiện tại huyện Phú Bình, lượng đất bán ra ngoài rất ít. Do giá đất bán ra thị trường hiện nay quá thấp, chỉ gần 20 nghìn đồng/m3. Sau khi trừ mọi chi phí, chúng tôi không đủ bù lỗ nên từ đầu tháng 2 đến nay, chúng tôi không bán đất ra ngoài…
Có hay không việc chính quyền làm ngơ?
Trao đổi với chúng tôi về việc khai thác đất trái phép tại xóm Thi Đua, ông Dương Viết Hòa, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn cho biết: Trước Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương đã phát hiện việc khai thác đất trái phép tại địa điểm trên nên đã yêu cầu chủ đất dừng các hoạt động khai thác. Thế nhưng, do thẩm quyền xử lý của thị trấn chỉ xử phạt hành chính không quá 5 triệu đồng nên các đối tượng không sợ và tiếp tục khai thác trộm. Cùng với đó, ở thị trấn Hương Sơn đang thực hiện 12 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư nên nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp rất lớn. Chính vì vậy, các đối tượng luôn lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ để khai thác đất trái phép. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tăng cường quản lý để đất san lấp không vận chuyển ra khỏi địa phương.
Còn ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Ở địa phương mới có 1 mỏ đất được cấp phép khai thác. Chính quyền địa phương chưa thấy người dân nào báo khu vực xóm Đồng Ca có khai thác đất trái phép nên không biết có tình trạng này!?… Trong khi đó, qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, các xe chở đất khai thác trái phép tại xóm Đồng Ca hằng ngày đều chạy qua trụ sở UBND xã Tân Hòa.
Nếu như trước năm 2019, để xảy ra hoạt động khai thác đất trái phép, cơ quan chức năng huyện Phú Bình cho rằng, trên địa bàn có hàng trăm dự án nên nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp rất lớn mà ở địa phương chưa có mỏ đất… Vì tiến độ các dự án, nên việc cơ quan chức năng làm ngơ là điều dễ hiểu. Thế nhưng, hiện nay, Phú Bình đã có 3 mỏ đất được cấp phép khai thác, với tổng trữ lượng gần 70 triệu m3, đáp ứng cơ bản về nguồn vật san lấp cho các dự án trên địa bàn huyện và một số địa phương lân cận thì việc tồn tại các điểm khai thác đất trái phép lại là điều khó hiểu.
Trong khi đó, chúng tôi được biết, đầu năm 2019, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cũng có văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, lực lượng công an huyện và UBND các xã trên địa bàn tăng cường xử lý các hoạt động khai thác đất trái phép. Phải chăng, có sự bao che, tiếp tay của cán bộ với hoạt động khai thác đất trái phép. Câu hỏi này rất cần được các cơ quan chức năng có lời giải đáp?!