Giảm nghèo bền vững
Đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Lương, trẻ em còn thiếu sân chơi trong những ngày hè. |
Thời gian qua, với việc triển khai các chương trình giảm nghèo trên địa bàn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng tái nghèo, gia tăng hộ nghèo, cận nghèo mới. Điều này cho thấy, việc giảm nghèo ở một số địa phương còn chưa thực sự bền vững, chưa tạo sinh kế lâu dài cho người dân.
Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh ta có tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS còn khá cao. Do điều kiện địa lý khó khăn, tập tục sinh hoạt, canh tác còn lạc hậu, nên ở một số huyện miền núi, vùng cao như: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ có tỉ lệ hộ nghèo là người DTTS nhiều nhất. Bởi vậy, những năm gần đây, tỉnh tập trung hỗ trợ xóa nghèo đối với đồng bào vùng DTTS trên địa bàn. Kết quả, trung bình mỗi năm toàn tỉnh cũng giảm từ 3% đến 5% hộ nghèo là người DTTS, trong đó ở các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo cụ thể, tỉnh chủ trương đầu tư cơ sở vật chất tại các xã vùng khó nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào. Một trong những chương trình ghi dấu ấn nhất chính bê tông hóa các tuyến đường giao thông lên bản đồng bào dân tộc Mông còn nhiều khó khăn ở Võ Nhai, Đồng Hỷ. Mặt khác, tỉnh đã quan tâm đến công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào; đưa khoa học kỹ thuật, cây con giống chất lượng đến với bà con nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp…
Tuy đã có những chuyển biến nhất định, nhưng thực tế giảm nghèo theo hướng bền vững đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó đáng chú ý là việc hộ nghèo thiếu tư liệu sản xuất, ít được đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế lâu dài… Trong một cuộc hội thảo mới đây về giảm nghèo bền vững, các cơ quan chuyên môn đã chỉ ra một loạt nguyên nhân như: Nhiều đối tượng không thể hoặc khó thoát nghèo do bản thân không đủ năng lực thực hiện; kinh phí đầu tư cho vùng khó khăn còn hạn chế; công tác tuyên truyền còn chưa được quan tâm đúng mức… Cũng phải thừa nhận, vùng đồng bào DTTS của tỉnh có đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội tương đối khó khăn; thực trạng giáo dục - đào tạo ở những vùng này còn nhiều trở ngại; các dịch vụ an sinh xã hội chưa được cập nhật đầy đủ; điều kiện nhà ở, sinh hoạt, tiếp cận thông tin… còn ở mức thấp.
Do đó, để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, từng bước giảm nghèo, rất cần sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành. Trước hết, cần triển khai tốt chính sách về giáo dục, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương, nhất là các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh. Thông qua đó, có các chương trình khuyến khích, chính sách động viên, tạo điều kiện dạy nghề cho đồng bào. Vì thực tế, gần như lao động vùng đồng bào DTTS của tỉnh chưa qua đào tạo nghề, thường vẫn chỉ lao động giản đơn, thu nhập thấp. Các địa phương cần tăng cường phối hợp, ký kết giao ước với các trường dạy nghề, các chủ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển chọn lao động là đồng bào DTTS theo địa chỉ. Mặt khác, các cơ chế chính sách về tín dụng đối với hộ nghèo, nhất là hộ nghèo người DTTS cần phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào tiếp cận vốn vay ưu đãi. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào, trong đó quan tâm đến kỹ thuật canh tác, chăn nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện cụ thể, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của bà con…