Kha Sơn - Ngày ấy, bây giờ
Đến nay, 100% xóm của xã Kha Sơn đã có đường bê tông đạt chuẩn nông thôn mới. |
Kha Sơn, vùng đất cửa ngõ phía Nam của huyện Phú Bình, một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên thành lập được chính quyền cách mạng; đồng thời là địa phương giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước. Phát huy truyền thống cách mạng, cán bộ, Nhân dân nơi đây đã đoàn kết một lòng, cùng nhau vượt khó, đồng thuận kiến tạo, làm nên diện mạo Kha Sơn hôm nay.
Từ miền ký ức
“Em sẽ đưa anh về Kha Sơn/Thăm chiến khu xưa mảnh đất kiên cường”... Lời hát của thôn nữ nơi quê lúa cất lên trong trẻo làm trời Thu như cao, xanh hơn. Tôi cảm nhận giữa mênh mang “hương đồng, gió nội” ùa về một hơi thở của trời đất chuyển mùa. Thu đã sang, cũng là lúc thời khắc gợi nhớ về ký ức lịch sử hào hùng dân tộc. 77 năm trước, nhân dân xã Kha Sơn “muôn người như một”, đoàn kết đứng dậy góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.
Những tên đất, tên người đã đi vào sử xanh dân tộc, tạc khắc vào tâm trí người Kha Sơn niềm tự hào đầy ắp. Đây, bia đá tạc thành dòng sử: Đình Kha Sơn Hạ, nơi cất giấu tài liệu của Trung ương; đình Kha Sơn Thượng, nơi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ở và chỉ đạo phong trào; nhà ông Cao Nhật, nơi ở và làm việc của cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ; rừng Rác, nơi thành lập Tổ trung kiên cách mạng năm 1943; rừng Mấn, nơi đặt Trạm liên lạc của Xứ ủy Bắc kỳ và mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Đảng.
Địa bàn xã Kha Sơn còn được Trung ương Đảng lựa chọn tổ chức nhiều các Hội nghị quan trọng, như: Hội nghị Quân sự Bắc kỳ tổ chức vào tháng 8-1944, do đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt chủ trì; Hội nghị phổ biến Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương diễn ra vào ngày 13/3/1945.
Đình Kha Sơn Thượng - nơi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ở và làm việc trong những năm 1939-1945.
Vùng đất Kha Sơn được các đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng lựa chọn làm nơi tổ chức in ấn nhiều tài liệu quan trọng của Đảng, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8; Điều lệ Việt Minh; Báo Cờ Giải Phóng và một số cuốn sách viết về chiến tranh du kích...
Rồi từ đây, các loại sách, báo, tài liệu quan trọng của Đảng được chuyển đến tay cán bộ, nhân dân trong vùng, trở thành "ngọn đuốc" soi sáng bao làng quê lầm than, lam lũ. Đồng thời tập hợp, hiệu triệu hàng vạn người dân đứng dậy đấu tranh giành lại độc lập, tự do, đánh đuổi bè lũ thực dân xâm lược ra khỏi bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.
Đến sự năng động, đổi mới
Một Kha Sơn đổi thay từng ngày. Tôi nghĩ như thế khi đi trên những trục đường bê tông đang vươn dài qua các cánh đồng, về từng ngõ xóm. Ông Dương Văn Dương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trong năm 2021, các xóm Mai Sơn, Tây Bắc, Hòa Bình, Trại Điện, Si, Bình Định, Phú Lâm được Nhà nước hỗ trợ 460 tấn xi măng để mở rộng các tuyến giao thông và đường nội đồng. Cũng trong năm này, địa phương khởi công nhiều công trình quan trọng, như: Xây dựng nhà lớp học 2 tầng, 8 phòng học; cải tạo, nâng cấp sân UBND xã; xây dựng chùa Ca; xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống điện cao áp tại Quốc lộ 37, đoạn nối từ Nghĩa trang Liệt sĩ đến cầu Ca.
Chùa Mai Sơn, nơi Xứ ủy Bắc Kỳ đặt Nhà in đặc biệt Khu An toàn II, in báo Cờ Giải Phóng cùng niều tại liệu quan trọng của Đảng thời kỳ 1943-1944.
Từ năm 2018, xã Kha Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới. 5 năm gần đây, nhân dân địa phương đã hiến hơn 15.000m2 đất, đóng góp gần 33 tỷ đồng, gần 24.000 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa các tuyến đường, kênh mương nội đồng. Ở Kha Sơn xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới, như gia đình ông Tô Văn Dương, gia đình bà Nguyễn Thị Tiến cùng ở xóm Tây Bắc; gia đình ông Lương Văn Toán, xóm Tân Thành; gia đình ông Nguyễn Văn Thái, xóm Trại... Những gương người tốt, việc tốt lan tỏa, trở thành phong trào đẹp trong từng dòng họ, cộng đồng dân cư.
Theo đó là đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Bà Phạm Thị Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kha Sơn, tự hào: Vẫn đồng đất ấy và những nông dân chân chất, nhưng mức sống của người dân xã Kha Sơn đã cao hơn rất nhiều so với ít năm trước đây. Năm 2022, xã phấn đấu đạt giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt là 110 triệu đồng, tăng 4,3 triệu đồng so với năm 2021; phấn đấu thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng/người.
Cùng với đó, số hộ đăng ký tham gia phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2018, cả xã có 568 hộ đăng ký, thì đến năm 2021, tăng lên 746 hộ. Đặc biệt năm 2022, Kha Sơn có 17 hộ mạnh dạn đăng ký đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh; 45 hộ đăng ký danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện...
Người Kha Sơn kiên cường trong trong đấu tranh cách mạng, năng động trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tự hào về điều đó, các thế hệ cán bộ, nhân dân xã Kha Sơn, lớp sau theo lớp trước không ngừng phát huy truyền thống quê hương cách mạng, bền bỉ phấn đấu, xây dựng một Kha Sơn đổi mới, giàu đẹp, xứng tầm với lợi thế vùng đất cửa ngõ phía Nam huyện Phú Bình.