Khách sạn Thái Nguyên: Đắc địa nhưng không còn đắc lợi

Cập nhật: Thứ hai 10/10/2022 - 10:58
 Nguồn thu ổn định của Khách sạn Thái Nguyên hiện nay là cho thuê ki ốt bán hàng và mặt bằng kinh doanh.
Nguồn thu ổn định của Khách sạn Thái Nguyên hiện nay là cho thuê ki ốt bán hàng và mặt bằng kinh doanh.

Khách sạn Thái Nguyên hình thành vào năm 1978 với nhiệm vụ chính là phục đội ngũ chuyên gia sang giúp nước ta thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng núi phía Bắc. Tiếp đó, Khách sạn này được cấp có thẩm quyền giao kinh doanh dịch vụ và chuyển chủ sở hữu từ UBND tỉnh Thái Nguyên sang Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vào năm 2003. Do sử dụng, khai thác nhiều năm nên Khách sạn Thái Nguyên đã xuống cấp, hoạt động dịch vụ ngày càng khó khăn do phải cạnh tranh khốc liệt…

Sau nhiều năm tiếp nhận, Khách sạn Thái Nguyên chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo kế hoạch của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (đưa Khách sạn Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn 4 sao). Chủ sở hữu mới có giao Khách sạn Thái Nguyên cho Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV- Vinacomin đầu tư trang bị, sửa chữa nhỏ vào năm 2012 và vận hành khai thác từ đó đến nay.

Việc chậm đầu tư cải tạo khiến Khách sạn Thái Nguyên thiếu sự khang trang, sạch đẹp và không xứng tầm, không là “con gà đẻ trứng vàng” như kỳ vọng của địa phương, cũng như chủ sở hữu mới.

Ngoài việc chưa huy động được nguồn lực lớn để đầu tư nâng cấp thì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng không có giải pháp để sở hữu hết 100% cổ phần tại Khách Thái Nguyên.

Lượng cổ phần ưu đãi được Nhà nước ưu tiên cho người lao động của Công ty Dịch vụ khách sạn Thái Nguyên trước đây đã có nhà đầu tư mua lại. Chính vì điều này mà việc quyết định chủ trương đầu tư lớn trong quá trình nâng cấp đưa Khách sạn Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn 4 sao nhiều nhiệm kỳ qua chưa hiện thực hóa được.

Chúng tôi được biết, Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV – Vinacomin đã cấp vốn khoảng 40 tỷ đồng để Khách sạn Thái Nguyên đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình gồm cải tạo hệ thống phòng nghỉ, 1 phòng ăn lớn và một số hạng mục khác như sơn sửa, thay thế thiết bị vệ sinh, bổ sung cảnh quan. Đơn vị này cũng cam kết với cấp có thẩm quyền, giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để nâng cấp Khách sạn Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn 4 sao trước năm 2020...

Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn từ năm 2014 đến nay, chủ sở hữu và các cổ đông của Khách sạn Thái Nguyên không tiến hành đầu tư giai đoạn 2. UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản đốc thúc chủ sở hữu và đề nghị không đầu tư được như cam kết thì bàn giao Khách sạn Thái Nguyên về địa phương quản lý.

Trước đề nghị của UBND tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vẫn cam kết thực hiện Dự án bằng việc tăng vốn điều lệ, huy động thêm vốn của cổ đông khoảng 50 tỷ đồng và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khoảng 150 tỷ đồng để triển khai.

Quá trình thực hiện Dự án nâng cấp Khách sạn Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn 4 sao của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã phải dừng lại khi Nhà nước có chủ trương thoái vốn ở một số lĩnh vực. Tiếp đó, việc thoái vốn tại Khách sạn Thái Nguyên của Tập đoàn cũng bị chậm lại do cơ quan chức năng yêu cầu phải tính đúng, tỉnh đủ giá trị tài sản, gồm: Quyền sử dụng đất; thương hiệu…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm đầu tư cải tạo Khách sạn Thái Nguyên (do cả nguyên nhân năng lực của chủ sở hữu và thủ tục phức tạp khi thoái vốn) đã khiến cho vị trí đất đắc địa nhất trung tâm TP. Thái Nguyên không phát huy được giá trị. Mặt khác, sự xuống cấp của Khách sạn Thái Nguyên cũng làm giảm đi sự hiện đại của đô thị trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc.

Dù là do nguyên nhân nào thì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng cần sớm tham mưu với cơ quan chức năng đưa ra hướng xử lý, khai thác tốt nhất tài sản giá trị này.

Nhóm P.V Nội chính
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: