Khẩn trương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp
Nhiều diện tích dưa lê của HTX Rau an toàn Hùng Sơn (huyện Đại Từ) bị hư hỏng do mưa lớn. |
2 đợt mưa lớn liên tiếp (từ ngày 22-24/5 và 30-31/5) tại nhiều địa phương trong tỉnh đã làm ngập úng hơn 2.600ha lúa, ngô, rau màu và gần 80ha chè, ảnh hưởng nặng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Ngay khi mưa dứt, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ bà con nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo thống kê của UBND xã, có khoảng 70ha lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả ở các xóm Bến Đò, Thanh Chử, Tân Lập, Ao Lang, Cây Sơn bị chìm trong nước sau trận mưa lớn ngày 30 và 31…
Có mặt tại khu vực xóm Bến Đò trong sáng 1-6 chúng tôi thấy mặc dù nước sông đã rút, giao thông trở lại bình thường song nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu của người dân vẫn chưa được tiêu úng.
Vết tích trên cây trồng sau ngập lụt.
Một ruộng cà chua bị hỏng do mưa ngập.
Bà Mai Thị Nguyệt, một người dân xóm Bến Đò buồn bã nói: Cả 9 sào lúa, ngô, đỗ gièo, mướp của gia đình tôi đều bị ngập; toàn bộ ao nuôi cá thương phẩm cũng bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nhà tôi đang chờ nước rút hết, ruộng ráo nước để nhổ bỏ các cây trồng bị ngã đổ, hư hỏng, vệ sinh đồng ruộng để trồng lứa mới, diện tích nào có thể hồi phục thì gia đình tôi sẽ tập trung chăm sóc.
Với xã Nam Hòa, một trong những địa phương của huyện Đồng Hỷ chịu thiệt hại nặng nề sau trận mưa lớn trong 2 ngày gần đây, theo Ông Đỗ Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã: Đến thời điểm này, cơ bản diện tích trồng cây nông nghiệp trên địa bàn đã tiêu thoát nước. Để nhanh chóng giúp người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn trực tiếp rà soát, thống kê diện tích bị thiệt hại, đồng thời hướng dẫn bà con các biện pháp khôi phục lại sản xuất như: Vớt rác, khơi thông mương máng, cửa cống để nước được tiêu thoát, nước rút đến đâu, té nước rửa lá lúa, cây trồng đến đó.
Bà Lê Thị Loan, xóm Ngòi Chẹo, xã Nam Hòa, bày tỏ: Chúng tôi rất mong các cấp, ngành và chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ một phần về giống cây trồng, vật tư, phân bón, hóa chất để người dân ổn định sau thiên tai, tái sản xuất kịp thời vụ.
Người dân xã Linh Sơn ngao ngán khi cây trồng bị chết sau trận mưa lớn.
Tương tự, các thành viên Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Hùng Sơn (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) cũng đang tranh thủ thời tiết tạnh ráo để khẩn trương ra đồng thu dọn, vệ sinh diện tích cây trồng bị ngập úng.
Anh Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX chia sẻ: Đợt mưa kéo dài từ ngày 22-24 vừa qua đã làm ngập úng, mất trắng toàn bộ 1 mẫu dưa lê chuẩn bị cho thu hoạch của HTX. Chỉ tính chi phí giống và phân bón thì HTX đã thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, khoảng 2 sào bí xanh, 5 sào khoai sọ bị ngập úng trong nước cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất… Hiện nay, để đảm bảo sản lượng rau màu cung cấp cho các đơn vị đã ký kết, chúng tôi sẽ nhanh chóng thu dọn sạch sẽ diện tích cây trồng bị thối rữa, khơi lại hệ thống thoát nước, cuốc luống, rắc vôi, hong phơi đất diệt nấm khuẩn trước khi trồng vụ rau mới.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin: Chi cục đã đề nghị phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn người dân khơi thông dòng chảy, nạo vét rãnh thoát nước trên ruộng đảm bảo cây trồng không bị ngập úng dài ngày. Đồng thời tăng cường cán bộ giám sát, kiểm tra đồng ruộng, điều tra phát hiện dịch hại, chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Chi cục cũng khuyến cáo bà con tranh thủ thời tiết nắng, khô ráo khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa đã chín. Trên diện tích rau màu bị ngập nặng không có khả năng phục hồi thì cần tận thu; chờ nước rút, bà con làm đất kỹ, phơi đất, chuẩn bị giống, phân bón để gieo trồng vụ mới.
Theo dự báo, thời gian tới nhiều khả năng xảy ra mưa, thậm chí mưa lớn cục bộ, nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp tiếp tục xảy ra, người dân cần chủ động ứng phó với mưa to gây ngập lụt, hư hại tài sản; sẵn sàng các phương án ứng phó khi thiên tai xảy ra...