Khẩn trương xây dựng phương án sử dụng đất lâm nghiệp
Tất cả diện tích đất của Công ty Lâm nghiệp giao khoán đã được người dân ở xã Tân Thành trồng keo. |
Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về việc giao đất có nguồn gốc từ Công ty Lâm nghiệp, huyện Phú Bình đã và đang rà soát để xây dựng phương án sử dụng đất để cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ đang bị chậm…
Trước đây, nhiều diện tích đất rừng thuộc Phú Bình do Lâm trường Phú Bình quản lý. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động (từ Lâm trường chuyển sang Công ty Lâm nghiệp), những diện tích đất rừng này được tỉnh giao Công ty Lâm nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên quản lý, với diện tích hơn 2.060ha, tập trung tại 3 xã, gồm: Tân Thành, Tân Kim và Tân Hòa. Tuy nhiên, do không có nguồn lực nên từ lâu Công ty Lâm nghiệp đã tiến hành giao khoán cho các hộ trồng rừng sản xuất…
Do việc quản lý, sử dụng đất của Công ty Lâm nghiệp không hiệu quả nên ngày 26/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2654/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty Lâm nghiệp, giao UBND huyện Phú Bình quản lý theo quy hoạch. Sau khi được tỉnh giao, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND 3 xã nói trên đã phối hợp với Công ty tiến hành rà soát, xác định ranh giới thực địa và đối chiếu bản đồ, hồ sơ do Công ty Lâm nghiệp cung cấp thì diện tích thực địa của đơn vị đang quản lý là gần 1.410ha. Trong đó, xã Tân Thành có 1.106ha; xã Tân Kim hơn 250; xã Tân Hòa hơn 50ha.
Ông Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình cho biết: Trước đây, những diện tích này thuộc Lâm trường Phú Bình trồng thông để thu hoạch nhựa. Sau khi Công ty Lâm nghiệp quản lý thì hầu hết đã thực hiện giao khoán cho các hộ dân trồng và chăm sóc nên việc phát triển rừng không hiệu quả. Hiện nay, người dân chủ yếu là trồng keo. Còn nhiều hộ vẫn chưa thực hiện trả tiền khoán theo hợp đồng với Công ty Lâm nghiệp…
Để thực hiện xây dựng phương án sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ cho người dân kịp thời, hiện UBND 3 xã trên đang khẩn trương rà soát thực địa, xác định mốc giới và xây dựng định mức bình quân diện tích đất/hộ dân. Ông Phạm văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kim thông tin: Diện tích đất của Công ty Lâm nghiệp hiện bà con đang thực hiện trồng keo. Khi rà soát tại thực địa, diện tích này nằm rải rác ở các xóm, không liền khu nên rất khó khăn cho việc đo đạc, xác định mốc giới…
Còn ông Hoàng Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Qua rà soát, xã có gần 1.000 hộ dân đang canh tác trên phần đất của Công ty Lâm nghiệp, hộ nhiều nhất có diện tích gần 5ha, còn hộ ít gần 1ha. Với diện tích lớn (hơn 1.100ha) nên khối lượng công việc thống kê, rà soát thực địa rất lớn, đến nay, UBND xã mới hoàn thành công việc rà soát, tổng hợp hộ dân đang trồng rừng và gửi báo cáo lên UBND huyện. Nếu cấp theo hồ sơ, giấy tờ thì sẽ nhanh, nhưng theo định mức bình quân/hộ thì sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Ngọc Yên, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Việc thực hiện phương án sử dụng đất đối với diện tích gần 1.410ha tỉnh giao, huyện đang triển khai công tác rà soát, thống kê, nhưng phải chờ quy hoạch huyện thực hiện xong để tích hợp. Sau đó mới xây dựng phương án sử dụng đất. Để đảm bảo công bằng, huyện đã yêu cầu 3 xã rà soát các hộ đang có hợp đồng giao khoán với các Công ty Lâm nghiệp để xây dựng hạn mức bình quân diện tích đất/hộ. Ngoài ra, đối tượng được cấp giao đất phải đảm bảo các yếu tố đủ điều kiện, như: Có hộ khẩu thường trú tại địa phương, có nhu cầu và phải làm tốt được việc quản lý và phát triển đất rừng được giao. Huyện đặt mục tiêu trong năm 2021 hoàn thành xây dựng phương án sử dụng đất có nguồn gốc từ Công ty Lâm nghiệp. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn, do việc sử dụng đất của các hộ dân nhận giao khoán rất phức tạp (ông bà, bố mẹ chia cho các con, không phải người ký kết hợp đồng với Công ty hiện đang canh tác) nên việc xây dựng phương án sử dụng đất đang gặp khó khăn… Đến nay, cơ quan chức năng mới cấp GCNQSDĐ được cho 1 hộ dân, với diện tích 4ha.
Việc xây dựng phương án sử dụng đất để cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tiến độ thực hiện ở một số địa phương vẫn còn chậm… Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất đai. Vì vậy, các địa phương được tỉnh giao đất sau khi thu hồi từ các Công ty Lâm nghiệp trong đó có huyện Phú Bình cần quyết liệt hơn nữa…