Dự án chợ Dân Tiến:
Làm rõ để giải quyết dứt điểm vướng mắc nhiều năm
Sau hơn 10 năm triển khai Dự án, chợ Dân Tiến vẫn lầy lội nhếch nhác. |
Từng được coi là kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư của huyện vùng cao Võ Nhai, nhưng giờ đây, Dự án xây dựng chợ trung tâm xã Dân Tiến trở thành nỗi thất vọng của chính quyền địa phương và gây bức xúc cho người dân. Dự án đã bị đình trệ nhiều năm, giữa nhà đầu tư và chính quyền có bất đồng, nhiều vướng mắc chưa có “lối thoát” rõ ràng.
Cuối năm 2009, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Dân Tiến rất phấn khởi khi xã vùng cao đặc biệt khó khăn này được một doanh nghiệp chủ động tìm đến xin đầu tư xây dựng chợ khang trang, hiện đại. Như “nắng hạn gặp mưa rào”, xã nhanh chóng chấp thuận, đề nghị lên cấp trên để Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng XNK SIAAI (gọi tắt là Công ty SIAAI, trụ sở tại T.P Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) triển khai Dự án xây dựng chợ trung tâm Dân Tiến. Thời điểm đó, chợ Dân Tiến vừa được xã xây mới 1 đình chợ (trị giá xấp xỉ 845 triệu đồng) từ nguồn vốn Chương trình 135. Trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh giao UBND huyện Võ Nhai ký hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, UBND huyện Võ Nhai ủy quyền cho UBND xã Dân Tiến ký hợp đồng với Công ty SIAAI. Các thủ tục pháp lý của Dự án được triển khai khá nhanh, đến ngày 16/12/2009, UBND xã Dân Tiến (bên A) và Công ty SIAAI (bên B) tiến hành ký hợp đồng BOT Dự án chợ Dân Tiến. Sau đó 9 ngày, 2 bên tiếp tục ký “Phụ lục hợp đồng”.
Theo nội dung hợp đồng giữa UBND xã Dân Tiến và Công ty SIAAI, giá trị hợp đồng tạm tính là 11-15 tỷ đồng, thời gian 49 năm kể từ ngày ký; diện tích đất triển khai Dự án là hơn 1ha. Điều đáng nói là hợp đồng này có một số nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, ví dụ như ở mục 3.2.1: “Nếu có bất cứ đoàn kiểm tra nào xuống địa bàn quản lý chợ của B. thì phải xuất trình giấy tờ cả đoàn hoặc giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền cho phép, và được sự đồng ý nhất trí của bên B. bằng văn bản”. Về điều này, ông Nguyễn Sỹ Lâm, nguyên Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, người đại diện chính quyền xã ký hợp đồng BOT, thừa nhận: Chúng tôi có sơ suất. Hợp đồng do họ soạn, tôi tin tưởng nên không thẩm định kỹ… Tháng 8-2010, UBND huyện Võ Nhai có công văn chỉ đạo UBND xã Dân Tiến điều chỉnh hợp đồng, nhưng theo báo cáo của xã thì nhà đầu tư không hợp tác
Sau khi ký hợp đồng, Công ty SIAAI tiến hành xây dựng 21 ki ốt để cho thuê (trong đó có 11 ki ốt xây dở dang, các hộ thuê tự hoàn thiện) và một số đoạn đường bê tông trong chợ, kinh phí theo ước tính của các cơ quan chuyên môn huyện Võ Nhai là khoảng 2 tỷ đồng. Ông Âu Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Về cơ bản, Công ty SIAAI đã dừng xây dựng từ năm 2012 đến nay.
Triển khai Dự án dở dang, Công ty SIAAI ký hợp đồng khoán cho một số người dân đứng ra quản lý, thu phí chợ. Từ đó, chợ Dân Tiến (họp 6 phiên/tháng) luôn trong tình trạng ô nhiễm bởi không được vệ sinh, thu gom rác thải thường xuyên. Chợ lầy lội, nhếch nhác vào mùa mưa, các lều quán được người dân dựng tạm bợ để kinh doanh gây mất mỹ quan. Vì thế, vào các ngày chợ phiên, nhiều tiểu thương không chịu họp trong chợ mà tràn ra đường buôn bán. Tình trạng này khiến người dân trong xã bức xúc, nhiều lần phản ánh, kiến nghị các cấp, ngành giải quyết.
Theo các văn bản mà Công ty SIAAI gửi UBND xã Dân Tiến và các cơ quan chức năng thì lý do mà doanh nghiệp này dừng triển khai Dự án là vì UBND xã vi phạm hợp đồng và nội dung cam kết trong các biên bản làm việc. Công ty đề nghị xã Dân Tiến đóng cửa chợ Mủng (cũng nằm trên địa bàn xã, cách chợ Dân Tiến khoảng 5km), đồng thời tháo dỡ nhà đình chợ và lùi vào trong 2m; hoặc UBND xã phải bồi thường 25 tỷ đồng cho Công ty vì vi phạm hợp đồng. “Căn cứ” để Công ty SIAAI đưa ra những yêu cầu đó là các “biên bản làm việc” với UBND xã Dân Tiến vào tháng 2, tháng 3-2014.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Lâm và các lãnh đạo xã Dân Tiến nhiều lần khẳng định nội dung các biên bản làm việc trên là giả, do Công ty SIAAI tự soạn thảo, cắt ghép. Cũng theo ông Lâm, thời điểm lập một số biên bản làm việc rất bất thường, ví dụ như biên bản ghi ngày 3/2/2014 tức là ngày mùng 4 Tết Giáp Ngọ (năm 2014) (không phải ngày làm việc hành chính); hoặc một biên bản khác có thành phần tham dự và chữ ký của Chủ tịch UBND xã (thời điểm đó là ông Lương Huy Bắc), nhưng đúng ngày này, ông Bắc đi họp ở huyện. “Đó là các biên bản giả và những nội dung đòi hỏi rất phi lý, không khả thi.” - ông Nguyễn Sỹ Lâm nói.
Dựa vào các “biên bản làm việc” này, Công ty SIAAI nhiều lần phát văn bản “đôn đốc” UBND xã Dân Tiến đóng cửa chợ Mủng, lùi đình chợ vào 2m, bồi thường số tiền 25 tỷ đồng. Trong khi đó, UBND xã Dân Tiến cũng có văn bản đôn đốc Công ty hoàn trả số tiền gần 845 triệu đồng mà ngân sách đã bỏ ra để xây dựng đình chợ (theo biên bản bàn giao tài sản và thống nhất giữa các bên thì Công ty phải trả vào ngân sách số tiền này trong tháng 9-2014), nhưng Công ty không thực hiện…
Sự việc kéo dài nhiều năm, hai bên nhiều lần có văn bản qua lại, Dự án chợ Dân Tiến tiếp tục bị đình trệ và gây bức xúc trong dư luận địa phương. UBND huyện Võ Nhai đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ các vấn đề của Dự án do “sự việc phức tạp, vượt quá thẩm quyền của huyện”. Được biết, ngày 5/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thanh tra Dự án.
Rõ ràng, việc ký hợp đồng BOT và triển khai Dự án chợ Dân Tiến có nhiều vấn đề cần được cơ quan chức năng sớm làm rõ, nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương và nhà đầu tư; việc có hay không những biên bản và nội dung làm việc giữa hai bên mà lãnh đạo xã Dân Tiến khẳng định là bị giả mạo, cũng như vấn đề tham mưu và thẩm định Dự án này của các cơ quan chuyên môn...