Liên kết vùng phục hồi du lịch
Không gian xanh mát của Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân đáp ứng nhu cầu vui chơi, thư giãn của du khách. |
Trong bối cảnh cả nước mở cửa toàn diện đón du khách, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác là giải pháp hữu hiệu để khôi phục du lịch sau thời gian dài “đóng băng” do dịch COVID-19. Tận dụng “cơ hội vàng” này, Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh hoạt động kết nối để hình thành các sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mang đến những trải nghiệm đa dạng cho du khách.
Kết nối mạng lưới du lịch địa phương
Liên kết vùng là một trong những giải pháp phát triển du lịch hiệu quả tạo nên một điểm đến chung, thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền. Không những thế, khi liên kết vùng trong du lịch, các địa phương có nhiều cơ hội để mở rộng quảng bá trong nước và quốc tế, tạo dấu ấn và mang đến lợi ích chung.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Liên kết vùng chính là định hướng ngành Du lịch Thái Nguyên thực hiện trong những năm qua, nhất là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc xây dựng vùng du lịch với những điểm đến an toàn được tỉnh đặc biệt chú trọng. Đến nay, khi du lịch mở cửa trở lại, trên nền tảng đã xây dựng từ trước, Thái Nguyên có nhiều lợi thế để kết nối mạng lưới, thúc đẩy du lịch đa chiều.
Mới đây nhất, từ ngày 15 đến 17-4, Thái Nguyên tham gia tích cực vào chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 13 do tỉnh Hà Giang đăng cai tổ chức, mở màn bằng "Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022" diễn ra tại Hà Nội. Chương trình là "cầu nối" giúp các doanh nghiệp của 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch Việt Bắc với cả nước.
Bà Phạm Tuyết Bảo, Phó phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thông tin: Trong khuôn khổ "Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022", Thái Nguyên đã quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, thông tin về điểm đến cũng như lòng mến khách tới đông đảo người dân Thủ đô và du khách. Nhiều du khách đã rất thích thú khi được giới thiệu về các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu văn hóa trà và các điểm đến tại Thái Nguyên.
Bên cạnh liên kết du lịch Việt Bắc, tỉnh đã phối hợp, liên kết với các địa phương có vùng chè đặc sản và sản phẩm trà trong cả nước để đăng cai tổ chức thành công các kỳ Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam vào các năm 2011, 2013 và 2015. Dự kiến kỳ Festival lần thứ 4 sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 9 năm nay. Đây là hoạt động văn hóa đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của trà Việt nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng, góp phần kết nối liên kết phát triển du lịch.
Cùng với đó, thời gian qua, ngành Du lịch Thái Nguyên đã tham gia chương trình liên kết giữa các tỉnh có chung dãy núi Tam Đảo với Hà Nội (Hà Nội - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Vĩnh Phúc); liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trên trục Quốc lộ 37 (Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương và Quảng Ninh); hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP. HCM và 8 tỉnh Đông Bắc; chương trình phát triển du lịch cụm hiệp hội du lịch 16 tỉnh phía Bắc…
Thái Nguyên đang tiếp tục xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển du lịch với tỉnh Quảng Bình; mời chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đến khảo sát và tư vấn phát triển du lịch sinh thái hang động trên địa bàn tỉnh.
Du khách trải nghiệm hoạt động sao chè tại HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên).
Hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng
Tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức sự kiện mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và ra mắt sản phẩm du lịch giáo dục “Trải nghiệm về nguồn - ATK Thủ đô gió ngàn”. Ngay sau mở cửa là chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch và chào đón du khách trở lại Thái Nguyên, tiêu biểu là chương trình Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên 2022.
Trong mùa du lịch năm nay, tỉnh đã chuẩn bị chu đáo để tập trung phục vụ các dòng khách nội địa với những sản phẩm phù hợp. Cụ thể, những khu, điểm du lịch gắn với các di tích lịch sử, danh thắng tập trung chuẩn bị điều kiện đón dòng khách là học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Các địa điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hóa chuẩn bị phục vụ tốt khách nội tỉnh và ngoại tỉnh.
Theo ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: Sau nhiều lần phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đón các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát, tìm hiểu các khu, điểm và dịch vụ du lịch, chúng tôi đã kết nối và xây dựng được một số tour, tuyến để đưa du khách đến Thái Nguyên. Nhiều tour du lịch đã được các doanh nghiệp xây dựng, là kết quả của việc hợp tác liên tỉnh, liên vùng. Về tour ngắn ngày, du khách có thể tham quan Thái Nguyên kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm - chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); Khu di tích lịch sử Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Hạ Long (Quảng Ninh)…
Đối với tour dài ngày, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng xây dựng tour "Khám phá 6 tỉnh Việt Bắc" hoặc "Khám phá Đông Bắc", du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp và trải nghiệm bản sắc riêng có tại vùng Việt Bắc, như: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang)…