Mở ra cơ hội phục hồi, phát triển du lịch Thái Nguyên
Du khách tham quan gian trưng bày ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà trưng bày ATK Định Hóa. Ảnh: T.L |
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 15/3/2022, ngành Du lịch Việt Nam mở cửa trở lại hoạt động trong điều kiện “bình thường mới”. Cơ hội vàng được mở ra cho ngành Du lịch cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Ngay lúc này, các cấp, ngành chức năng cùng các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng triển khai các phương án kích cầu lĩnh vực này, đồng thời chú trọng kiểm soát dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Từ cuối năm 2021, hoạt động du lịch của Việt Nam đã dần “ấm” trở lại trên phạm vi toàn quốc. Cũng như các địa phương khác trong cả nước, quê hương Thái Nguyên đã đón tiếp những vị khách quý trong và ngoài nước đến tham quan, hợp tác phát triển kinh tế. Nhiều du khách đánh giá: Thái Nguyên thực sự là một điểm đến ấn tượng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 800 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong đó có trên 200 di tích tín ngưỡng, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật, 39 di tích danh thắng, 510 di tích lịch sử và 12 di tích khảo cổ học. Về các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, nghệ thuật rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, hát Soọng Cô của người Sán Dìu… Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, trở thành nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho phát triển du lịch.
Hồ Ghềnh Chè (T.P Sông Công) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Ảnh: C.T.V
Nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong hơn 2 năm qua, ngành Du lịch “tạm ngừng thở”. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này đã chủ động đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, chờ đợi cơ hội mới khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Từ nhiều năm gần đây, hoạt động của các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng như hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và dịch vụ đưa đón du khách đã có sự chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên chúng tôi đã mất hơn 2 năm gần như không có doanh thu. Vì vậy việc Chính phủ cho phép ngành Du lịch mở cửa đón khách trở lại, đồng nghĩa với cho chúng tôi cơ hội phát triển mới.
Với người dân, họ cũng thấp thỏm mong đợi cơ hội được “ra ngoài” thăm thú, vãn cảnh. Cũng vì thế, nguồn tài nguyên du lịch đang được kích hoạt trở lại, sẵn sàng đợi du khách ghé thăm. Ví như Mô hình du lịch cộng đồng ở xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa), ngay từ những ngày đầu năm bà con đã hối thúc nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để đón tiếp, phục vụ du khách. Được biết đây là một trong những điểm đến ấn tượng của du lịch Thái Nguyên. Đến đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống lao động sản xuất cùng đồng bào, ở nhà sàn, thưởng thức các món ăn truyền thống của người Tày vùng Việt Bắc, tham quan Di tích lịch sử Đồi Khau Tý, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm điểm dừng chân đầu tiên ở ATK Định Hóa để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đoàn công tác của UBND T.P Thái Nguyên khảo sát thực tế để triển khai xây dựng điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà tại xã Tân Cương (tháng 2-2022). Ảnh: T.L
Còn tại vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), một điểm du lịch được khai thác phục vụ du khách từ hơn 10 năm gần đây, nhiều hộ dân chủ động thiết kế, cải tạo vườn chè, xây dựng nơi chế biến chè, tạo không gian thưởng trà sạch đẹp, bắt mắt, khơi gợi cảm hứng cho du khách đến thăm và mang về một ấn tượng đẹp. Ông Mai Viết Ái, ở xóm Gò Pháo, xã Tân Cương, bày tỏ: Hơn 2 năm vừa qua, vùng chè Tân Cương vắng bóng du khách… dân chúng tôi thấy nhớ. Hay ở các vùng chè Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), Minh Lập (Đồng Hỷ), La Bằng (Đại Từ)…, nhiều người dân còn tự học thêm ngoại ngữ để có thể giao lưu trực tiếp với du khách nước ngoài.
Nhiều du khách đến Thái Nguyên tham quan, rồi trở lại với Thái Nguyên bởi các lý do: Lòng người hồn hậu, dễ mến và có nhiều điểm đến để tham quan, khám phá. Điển hình có Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa (Võ Nhai), điểm đến mang dấu ấn của một nền văn hóa khảo cổ đá cũ. Phong cảnh hữu tình, có núi dựng vách soi bóng xuống dòng sông Thần Sa. Đến đó, du khách được thỏa thích ngắm nhìn từng đỉnh núi đá cao vời vợi, ngắm dòng sông Thần Sa nước trong leo lẻo và thích thú khi chạm chân đến cửa hang, chợt thấy đầy tiếng gió hú gọi về từ vời vợi xa xăm cổ tích. Từng hang lại có tên riêng, lạ lẫm đầy kích thích, như: Phiêng Tung, Miệng Hổ, mái đá Ngườm, Thắm Choong, Nà Ngùn...
Cùng với đó ở Thái Nguyên còn có hệ thống hàng trăm di tích kiến trúc nghệ thuật chùa chiền, đình, đền nổi tiếng, như: Chùa Hang, chùa Phù Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (T.P Thái Nguyên), đền Đuổm (Phú Lương), đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình)…
Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Hầu hết các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh đều đã được ngành Du lịch quan tâm đầu tư, khai thác. Các điểm đón tiếp nhiều du khách phải kể đến hồ Núi Cốc, Di tích Quốc gia đặc biệt an toàn khu (ATK) Định Hóa và một số điểm du lịch mới hình thành trong thời gian ít năm gần đây, như: Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải (T.P Thái Nguyên); Trung tâm thương mại - du lịch Dũng Tân (T.P Sông Công) và Không gian Văn hóa Trà Tân Cương (T.P Thái Nguyên).
Ngành Du lịch tỉnh đang “nằm trên” nguồn tài nguyên vô tận. Không ít doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch ví von: Tài nguyên phục vụ ngành Du lịch của Thái Nguyên giống như “nồi cơm Thạch Sanh”, càng ăn thì càng đầy, càng khai thác lại càng thêm ấn tượng, hấp dẫn.