Nhân kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2022) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10-8)
Nâng cao trách nhiệm xã hội
Đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L |
Những tưởng chiến tranh chỉ còn lại trong ký ức bao cán bộ, chiến sĩ từng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhưng không, chiến tranh đã âm thầm theo bao bước chân người lính về miền quê xa lắc. Không có tiếng đạn bom, song khốc liệt, tàn ác đến mức triệt tiêu cả gia đình, thậm chí là một dòng họ.
Cựu chiến binh Hoàng Trung Lương, xóm Cao Khản, xã Bản Ngoại (Đại Từ) là một trong những nhân chứng của cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam. Ông từng nghĩ bản thân mình may mắn hơn so với nhiều đồng đội phải nằm lại nơi góc rừng xa khuất. Nhưng cuộc sống của ông sau chiến tranh là một nỗi thống khổ, 3 người con đều không lành lặn, tỉnh táo. Chúng to cao, lực lưỡng nhưng chỉ biết ăn, không biết làm công việc gì. Kinh tế và cuộc sống gia đình suy kiệt, mặc dù gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ để sửa lại nhà ở, nhưng vẫn đầy rẫy khó khăn.
Tương tự, ở xóm Vườn Thông, xã Động Đạt (Phú Lương), 4 mẹ con bà Hoàng Thị Hằng được nhiều người trên cả nước biết đến bởi trong nhà đầy chật nỗi đau da cam. Bên hiên nhà, người phụ nữ tên Bế Thị Hồng, 46 tuổi ngồi lắc lư, miệng ú ớ thứ âm thanh giống tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời để phun hóa chất xuống dãy Trường Sơn. Ngồi bên là người em Bế Thị Duyên, 40 tuổi bị điếc câm bẩm sinh. Người anh cả Bế Văn Cường, 50 tuổi, ngơ ngác, ngày nào cũng rời nhà từ sáng sớm đi lang thang vô định, đến tối khuya mới về. Nhìn mấy đứa con ngây dại, bà Hằng sụt sùi: Năm nay 74 tuổi, tôi vẫn là lao động chính trong nhà. Chỉ lo sau này tôi mất, không ai nấu cơm cho các con ăn.
Những cảnh đời da cam buồn trĩu lòng theo tôi về xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Xã có 123 nạn nhân da cam, trong đó 102 người là nạn nhân trực tiếp, 21 nạn nhân là “con cháu các cụ”. Ông Trần Anh Nghiêm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Quyết Thắng cho biết: Hầu hết nạn nhân đều tuổi cao, sức yếu, nhiều người có bệnh hiểm nghèo. Nhưng cực nhất phải kể đến hoàn cảnh của bà Phạm Thị Nụ, xóm Cây Xanh, có chồng là nạn nhân chất độc da cam (đã mất). Con gái lớn của bà - Hà Thị Tuyết Mai, 47 tuổi, phải ăn, nằm một chỗ. Bà Nụ thảng thốt: Sau này tôi mất đi, con gái tôi sẽ sống ra sao?
Hằng năm, có hàng nghìn lượt nạn nhân chất độc da cam/Dioxin được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí.
Một câu hỏi day dứt, vô tình như trách cứ, ám ảnh bao người có lương tâm, trách nhiệm. Hơn lúc nào hết, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đồng thuận, chung sức cùng đóng góp, chia sẻ với những người mang nỗi đau da cam.
Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, cho biết: Thái Nguyên có gần 14.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó hơn 12.500 nạn nhân trực tiếp, gần 1.500 nạn nhân gián tiếp. Nhưng đến nay mới có 9.388 nạn nhân được hưởng chính sách hỗ trợ.
Chia sẻ nỗi đau với nạn nhân da cam, các cấp, ngành và cộng đồng xã hội đã tích cực đóng góp tiền của, vật chất, giúp đỡ các gia đình nạn nhân vươn lên trong cuộc sống. Nhưng vẫn còn đó một niềm đau mang tên da cam. Do vậy, Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là vận động Quỹ để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân. Trong giai đoạn 2017-2022, các cấp hội đã vận động được gần 52 tỷ đồng (bao gồm cả vật chất quy đổi thành tiền).
Đặc biệt, trong thời gian hơn 2 năm gần đây, đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động xã hội, nhưng tổ chức Hội vẫn luôn nhận được sự đồng hành của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị - xã hội và mọi người dân. Trong hai năm (2020 và 2021), Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh vận động Quỹ được gần 22 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, hơn 43.000 lượt nạn nhân da cam được tặng quà các dịp tết, lễ; 67 gia đình nạn nhân được hỗ trợ tiền làm nhà; 432 nạn nhân được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; 74 nạn nhân được hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo.
Ông Hoàng Xuân Rưỡng, xóm Thượng, xã Yên Đổ (Phú Lương), nói: Tôi có 8 người con. Chúng đều đã có cuộc sống riêng. Nhà còn 2 vợ chồng già sống nhờ vào 1 suất tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam mức 2. Nhà hỏng mái, nên tôi vừa thuê người làm lại hết 25 triệu đồng. Rất mừng là được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin hỗ trợ kịp thời.
Đại diện cho bao tấm lòng thiện nguyện là Hội đồng Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Quỹ tìm đến những nơi có cảnh đời đau khổ nhất về tinh thần; khó khăn nhất về vật chất để chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Trong lần theo chân Đoàn y bác sĩ đi khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc bổ miễn phí trong một chương trình do Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh phối hợp với Công ty CP Bệnh viện Quốc Tế Thái Nguyên, chúng tôi được bác sĩ Nguyễn Văn Tự, Giám Đốc Bệnh viện đa khoa Yên Bình, chia sẻ: Tôi cũng như các đồng nghiệp của mình luôn trân trọng, biết ơn sự cống hiến, hy sinh to lớn của những người lính cụ Hồ. Họ đã chiến đấu, sẵn sàng vì Tổ quốc quyết sinh. Cũng vì thế, chúng tôi luôn sẵn lòng phục vụ hết mình, với mong muốn chung tay cùng mọi người trong cộng đồng xã hội xoa dịu nỗi đau da cam.
Đang những ngày tháng Tám, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10-8), tôi đã gặp, đã nghe nhiều tâm tư tình cảm của những người lính từng một thời xông pha tiền tuyến. Họ là những người anh hùng thời chiến và ngay cả bây giờ họ cũng đang là những anh hùng của đời thường. Bởi mỗi ngày, nhiều người trong số họ phải vật lộn với nỗi đau tinh thần, thể xác và cả sự nghèo khó. Dù là cộng đồng xã hội luôn sẻ chia với những người không may mắn mang trong mình hậu quả chiến tranh, nhưng vẫn còn đó một niềm đau mang tên da cam.