Nhà nông thích ứng linh hoạt
Thành viên HTX chè La Bằng, ở xã La Bằng (Đại Từ) kiểm tra chất lượng chè búp tươi trước khi đưa vào sao khô. |
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng. Trước tình hình trên, các hộ nông dân, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh vừa nỗ lực ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, vừa chủ động phòng, chống dịch, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng nông sản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Ngay sau Tết là thời điểm bà con nông dân thường tập trung xuống đồng sản xuất vụ xuân. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên nhiều gia đình đã và đang bị cách ly, thậm chí có người phải nhập viện, dẫn đến thiếu lao động. Vì vậy, để bảo đảm khung thời vụ sản xuất, tại nhiều địa phương trong tỉnh, bà con làng xóm đã chủ động giúp đỡ các hộ thiếu lao động do có người mắc COVID-19 hoặc phải thực hiện cách ly y tế.
Bà Lê Thị Gạo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) chia sẻ: Được biết gia đình bà Chư Thị Dung, một hộ dân trong xóm có người ốm phải đi bệnh viện điều trị, chúng tôi đã huy động nhân lực đến cấy giúp. Khi ra đồng sản xuất, chúng tôi đeo khẩu trang đầy đủ và giữ khoảng cách để phòng, chống dịch bệnh.
Đối với sản xuất chè, các DN, HTX, hộ dân trên địa bàn cũng tập trung đầu tư cải tiến máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX Chè La Bằng, ở xã La Bằng (Đại Từ) thông tin: Hiện nay, chúng tôi đã dùng máy sao chè bằng điện thay thế máy sao chè bằng củi nên giữ nguyên được hương vị, giúp chè không bị ám khói. Ngoài ra, các sản phẩm chè cũng được hút chân không và bảo quản, đóng gói trong túi, hộp với thiết kế sang trọng, bắt mắt, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi tăng cường quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin thương mại, sàn giao dịch điện tử.
Cùng với cấy lúa, thu hái chè, nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả trên địa bàn cũng được người nông dân kịp thời xuống giống, bảo đảm đúng khung thời vụ sản xuất. Hiện nay, hơn 6.000ha ngô, 4.600ha rau màu các loại của toàn tỉnh đang sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
Các thành viên HTX gà đồi Đông Thịnh, ở xã Tân Khánh (Phú Bình) trao đổi về kinh nghiệm chăm sóc gà theo quy trình an toàn.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện bà con đang tập trung dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, lựa chọn con giống tốt để tái đàn. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX Gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh (Phú Bình) cho hay: Tận dụng diện tích đất vườn bãi, bà con chúng tôi thường nuôi gà ta bản địa hoặc gà ri lai thả đồi. Được tham gia các lớp tập huấn, nhiều hộ đã dùng men sinh học để ủ thức ăn sử dụng cho gà, giúp kích thích tiêu hóa, ổn định vi sinh vật và hạn chế một số bệnh về đường ruột, đồng thời cũng hạn chế mùi hôi của phân gà... Ngoài ra, bà con cũng tiến hành tiêm vắc-xin đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm và sản lượng tiêu thụ giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi. Tuy vậy, cơ bản hoạt động sản xuất chăn nuôi vẫn được duy trì và phát triển theo hướng tích cực, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh phát triển ổn định. Chăn nuôi quy mô trang trại phát triển đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có 738 trang trại chăn nuôi, trong đó có 61 trang trại được chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, giá vật tư nông nghiệp, chi phí sản xuất tăng, cộng với tình hình thời tiết diễn biến bất thường là những khó khăn mà người nông dân đang phải đối mặt. Trước ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời Phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022. Trong đó, tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất lúa, chè, cây ăn quả, chăn nuôi nhằm thúc đẩy trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Song hành với đó, để quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên… hỗ trợ đưa thông tin của các DN, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, quảng bá, tuyên truyền các nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh trên ứng dụng C-ThaiNguyen, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT… Trong năm 2021, các đơn vị trực thuộc Sở đã đào tạo, tập huấn cho hơn 1.350 hộ sản xuất, kinh doanh nông sản; tạo tài khoản bán hàng cho 653 hộ; quảng bá trên sàn thương mại điện tử hơn 1.000 sản phẩm…
Có thể thấy, việc tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để duy trì hiệu quả sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng nông sản chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Cùng với đó, bà con nông dân cũng cần bám sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản để có phương án phòng trừ kịp thời; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra…