HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP:
Nhìn từ thực tế

Cập nhật: Thứ hai 23/03/2020 - 16:29
 Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp-PTNT tỉnh kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công công trình cấp bách kè bờ sông Cầu đoạn chảy qua xã Úc Kỳ (Phú Bình).
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp-PTNT tỉnh kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công công trình cấp bách kè bờ sông Cầu đoạn chảy qua xã Úc Kỳ (Phú Bình).

Những năm qua, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện nhiều DA phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân trong tỉnh. Nhìn chung các DA đều được đầu tư đúng mục đích, bảo đảm tuân thủ quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai một số DA, cần được các cấp, ngành chức năng giải quyết kịp thời.

Kỳ 1- Nhiều công trình thiết thực

Từ thực tế cho thấy, việc đầu tư thực hiện các DA, công trình NN-PTNT khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn. Chính vì vậy, thời gian qua, BQLDA đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh luôn tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các DA, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình bảo đảm kế hoạch đề ra, mang lại hiệu quả thiết thực.

Được khởi công từ tháng 9-2019, DA xử lý cấp bách đoạn đê xung yếu từ Km8+600 - Km13+700 trên tuyến đê Hà Châu (T.X Phổ Yên) có tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng. Sau 3 tháng thi công, công trình đã hoàn thiện mặt cắt đê, giải quyết cơ bản các trọng điểm xung yếu, bảo đảm an toàn cho tuyến đê trong mùa mưa lũ. Nhờ đó không chỉ góp phần bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân ở các xã Hà Châu, Nga My, Úc Kỳ, Điềm Thụy (Phú Bình) và Tiên Phong (T.X Phổ Yên) mà mặt đê còn được cải tạo thành đường giao thông phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, nâng cao hiệu quả chống lũ lụt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, cứu hộ đê khi cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) cho biết: Việc cải tạo đoạn đê ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của hơn 500 hộ dân trong xã. Vì vậy, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác vận động nhân dân giải phóng mặt bằng (GPMB). Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân đều hiểu và đồng thuận cao trong công tác GPMB phục vụ thi công đoạn đê. Do gắn liền với đường dân sinh nên việc mở rộng và cứng hóa đoạn đê không chỉ có ý nghĩa trong công tác phòng, chống lụt bão mà còn giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ở các xóm ven đê thuận lợi hơn. Còn chị Nguyễn Thị Gái, một người dân ở xóm Chiễn 2, xã Nhã Lộng (Phú Bình) thì chia sẻ: Trước đây, vào mùa mưa, mỗi khi nước sông Cầu dâng cao là gia đình tôi cùng bà con trong xóm rất lo đê bị vỡ, lũ lụt cuốn trôi nhà cửa. Từ khi tuyến đê được xây dựng và sửa sang kiên cố, chúng tôi rất yên tâm trong sản xuất và đời sống sinh hoạt, không còn phải thắc thỏm lo âu khi mùa mưa bão đến…

Tương tự, đối với công trình đường cứu hộ, cứu nạn trong vùng mưa lũ ở xã Động Đạt (Phú Lương) có tổng chiều dài trên 4,5km, từ khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 5-2019 đã góp phần khắc phục tình trạng ngập úng trong mùa mưa; đồng thời bảo đảm giao thông thông suốt, giúp cho công tác cứu hộ, cứu nạn được kịp thời, bà con nhân dân địa phương cũng tiện di chuyển, sơ tán khi có tình huống xấu xảy ra. Hay đối với DA xử lý cấp bách sự cố thấm thân đập đất hồ Nước Hai (T.X Phổ Yên) với tổng mức đầu tư trên 5,5 tỷ đồng, đơn vị thi công đã tiến hành khoan phụt tạo màng chống thấm tại khu vực giữa đập và khu vực hai vai đập. Sau 2 tháng thi công, đến tháng 7-2019, công trình đã bảo đảm an toàn và cung cấp đủ nước tưới cho gần 500ha lúa, 100ha chè và 80ha cây mầu, đem lại niềm vui lớn cho nhân dân địa phương.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, từ khi thành lập (cuối năm 2016) đến nay, BQLDA đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh đã triển khai thực hiện 14 DA. Trong đó có 9 DA đã được hoàn thành đúng kế hoạch (với tổng số vốn được giao trên 281 tỷ đồng), 3 DA đang thực hiện và 2 DA hiện nay tạm ngừng thi công (do đang điều chỉnh bổ sung nguồn vốn và chưa hoàn thành GPMB). Các DA đều có vai trò, ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai từng DA, BQLDA đã làm tốt công tác khảo sát, quy hoạch, lựa chọn đơn vị giám sát, nhà thầu thi công. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong quản lý chất lượng công trình của các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát, từ đó nâng cao chất lượng các công trình.

 Chăm sóc gà giống tại Trại giống gia cầm Tân Thái (thuộc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản của tỉnh), ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Bà Hà Thị Hiền, Phó Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh cho biết: Trong quá trình triển khai các DA, bên cạnh những thuận lợi thì đơn vị cũng gặp không ít khó khăn do thủ tục trong quản lý đầu tư còn phức tạp và việc thực hiện mất nhiều thời gian. Đặc biệt, công tác bồi thường GPMB còn chậm, một số hộ gia đình, cá nhân có những đòi hỏi ngoài khung chính sách. Đó là chưa kể đến những tác động khách quan, thời tiết không thuận lợi làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình. Song, với sự nỗ lực của BQLDA đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh cùng các nhà thầu, địa phương liên quan, những công trình do BQLDA triển khai thực hiện khi được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Điển hình như các DA: Xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn trong vùng mưa lũ huyện Phú Bình; xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất giống lúa có năng suất, chất lượng cao của tỉnh; nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh; sửa chữa và nâng cấp trạm bơm Đoàn Kết, xã Đào Xá (Phú Bình)...

Để sớm hoàn thành, đưa các DA, công trình vào khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, thời gian tới, BQLDA đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đúng chế độ, chính sách trong lĩnh vực bồi thường GPMB. Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh mới, bảo đảm tiến độ thi công các công trình, DA theo kế hoạch đề ra.

Nhóm P.V Kinh tế
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: