Ô nhiễm môi trường tại KCN Sông Công I: Đã giảm nhưng vẫn là “điểm nóng”
Đa phần các nhà máy sản xuất thép tại KCN Sông Công I sử dụng công nghệ truyền thống, thậm chí lạc hậu nên có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm. |
Thời gian qua, người dân sinh sống ở gần Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I đã có nhiều ý kiến kiến nghị, phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của các nhà máy. Các cấp, ngành chức năng cũng đã tích cực vào cuộc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, vì vậy tình trạng vi phạm có giảm nhưng vẫn xảy ra. Và đây vẫn là chủ đề “nóng” trong mỗi cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương.
Ở gần một số nhà máy sản xuất thép trong KCN Sông Công I, cuộc sống của gia đình bà Dương Thị Láng và các hộ dân khác thuộc tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang (T.P Sông Công), bị ảnh hưởng không nhỏ bởi khói bụi và tiếng ồn. Bà Láng cho biết, các nhà máy thường xả thải mạnh vào cuối buổi chiều hoặc đêm, tuy không liên tục nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sản xuất của người dân. Gia đình tôi hầu như phải đóng cửa cả ngày. Chúng tôi đã gọi đến đến đường dây “nóng” và gửi đơn đến Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường T.P Sông Công để phản ánh, kiến nghị. Tôi được biết, một số công ty đã bị xử phạt, tình trạng ô nhiễm tuy có giảm nhưng vẫn còn. Sinh sống ở đây ngày nào, chúng tôi còn khổ ngày đó.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại phường Bách Quang, phường Mỏ Chè (T.P Sông Công), tình trạng các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường vẫn thường được cử tri quan tâm phản ánh, kiến nghị. Đường dân “nóng” của lãnh đạo T.P Sông Công cũng không ít lần nhận được các cuộc gọi của người dân phản ánh về tình trạng này. Theo anh Tạ Việt Duyên, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường T.P Sông Công, mỗi lần nhận được phản ánh, lãnh đạo Thành phố thường trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác minh, ghi nhận hiện trạng. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay đã có gần 40 lượt đi xác minh như vậy. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cấp huyện không đủ nhân lực và thiết bị chuyên dụng cần thiết để xác định mức độ ô nhiễm, nên chủ yếu ghi nhận hiện trạng rồi đề nghị cấp trên giải quyết.
Cũng theo anh Duyên, cơ bản các doanh nghiệp trong KCN Sông Công I có ý thức chấp hành pháp luật về môi trường khá tốt, nhưng có một số trường hợp cố tình vi phạm, đối phó, xả thải trộm vào ban đêm, không vận hành hoặc chỉ vận hành một phần hệ thống xử lý khí thải do tốn kém. Một nguyên nhân nữa khiến vấn đề môi trường ở đây khó giải quyết dứt điểm là phần lớn doanh nghiệp sản xuất gang, thép sử dụng công nghệ truyền thống, thậm chí lạc hậu.
Thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường cho thấy, từ năm 2014 đến nay, Sở đã liên tục chủ trì tổ chức thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Nhà máy Kẽm điện phân, Công ty CP Thép Toàn Thắng và Công ty CP Nhật Anh (những đơn vị nhận được nhiều phản ánh của người dân vì gây ô nhiễm). Qua đó đã phát hiện không ít tồn tại của các đơn vị này như: Chưa thu gom triệt để bụi, khí thải trong quá trình sản xuất; vận hành hệ thống xử lý khí thải chưa hiệu quả; để xảy ra tình trạng khí thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn phát tán ra khu vực xung quanh… Mới đây nhất, trong đợt kiểm tra đầu năm 2018, Sở Tài nguyên - Môi trường đã kiến nghị xử lý vi phạm Công ty CP Nhật Anh 50 triệu đồng vì lỗi không quan trắc định kỳ đúng quy định (trước đó, đơn vị này đã từng bị xử phạt 90 triệu đồng do vi phạm quy định về bảo vệ môi trường). Công ty CP Thép Toàn Thắng bị xử phạt 70 triệu đồng do không thực hiện đúng báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) được phê duyệt. Cùng với xử lý vi phạm, Sở yêu cầu các đơn vị có biện pháp khắc phục và cơ bản các đơn vị này đã đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải.
Do sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Sông Công I có chiều hướng giảm rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn những doanh nghiệp cố tình vi phạm, có dấu hiệu xả thải vượt tiêu chuẩn và tiếp tục bị người dân phản ánh, kiến nghị vì gây ô nhiễm. Vì vậy, cuối năm 2018, Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất 8 nhà máy sản xuất thép tại KCN Sông Công I. Theo kết quả kiểm tra (dù một số đơn vị chưa được kết luận), tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ môi trường vẫn khá phổ biến. Theo anh Lê Hải Bằng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường), có doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải mang tính đối phó, không đảm bảo yêu cầu, tự thực hiện quan trắc định kỳ không khách quan nên cho ra kết quả “tốt”. Khi cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất thì bị chỉ ra nhiều sai phạm.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn cũng như từ cảm quan và ý kiến của nhiều người dân sống gần KCN Sông Công I, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này đã giảm so với vài năm trước. Nhưng rõ ràng những vi phạm và nguy cơ ô nhiễm tại đây còn khá phổ biến, KCN Sông Công I vẫn là một trong những “điểm nóng” về môi trường của tỉnh. Điều này đỏi hỏi các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm kiểm tra, giám sát, buộc các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường.