Phú Bình “tính chuyện đường dài” với rau an toàn

Cập nhật: Thứ tư 16/02/2022 - 07:02
 Thành viên HTX Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng chăm sóc rau trồng trong nhà lưới.
Thành viên HTX Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng chăm sóc rau trồng trong nhà lưới.

Là địa phương có thế mạnh sản xuất rau (chủ yếu là rau ăn lá), khoảng 5 năm trở lại đây, huyện Phú Bình đã tập trung nâng cao giá trị các loại rau từ việc sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP... Qua đó, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Những ngày đầu xuân, đến thăm một số xã có truyền thống sản xuất rau trên địa bàn huyện Phú Bình như: Nhã Lộng, Dương Thành, Lương Phú, Thanh Ninh..., chúng tôi nhanh chóng cảm nhận được không khí làm việc hăng say của người dân trên những cánh đồng rau xanh tốt.

Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng thông tin: Trước đây, bà con sản xuất rau theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, bảo quản. Từ đầu năm 2020, khi HTX được thành lập và đi vào hoạt động, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các thành viên sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, về đất trồng và nguồn nước tưới phải đảm bảo không nhiễm hóa chất độc hại; chỉ sử dụng phân bón hữu cơ (phân chuồng ủ mục); dùng nước tỏi thay thế hoàn toàn thuốc hóa học để phòng, trừ sâu bệnh...

Nhờ đó, đến nay với 7ha rau ăn lá các loại như: Súp lơ, cà chua, xà lách, bắp cải... của HTX Bình Minh đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường đón nhận với giá cao hơn từ 20-30% so với trước (tùy từng sản phẩm). Nhờ đó, thu nhập của các thành viên cũng tăng từ 1,5-2 lần so với năm 2020, đạt 10 triệu đồng/người/tháng.

Tại HTX rau, củ, quả an toàn Dương Thành, ở xóm Nguộn, xã Dương Thành, quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được các thành viên áp dụng từ khi HTX mới thành lập, vào năm 2017. Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX chia sẻ: Với 5ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi yêu cầu các thành viên tìm hiểu kỹ và lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo yếu tố an toàn đối với sản phẩm. Cùng với đó là ghi chép cẩn thận thời gian sử dụng thuốc, thời gian cách ly cho từng loại cây; sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, nước giếng khoan để bón, tưới cho cây... Do đó, không những rút ngắn thời gian thu hoạch (từ 15-20 ngày tùy loại cây) mà còn góp phần tăng năng suất cây trồng khoảng 30% so với khi chưa áp dụng quy trình sản xuất an toàn.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX rau, củ, quả an toàn Dương Thành chăm sóc rau mới trồng. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đánh giá: Khoảng 5 năm trở lại đây, sản xuất rau xanh tại địa phương có xu hướng tăng mạnh và đứng thứ 2 trong cơ cấu ngành Trồng trọt. Trong tổng số 19.700ha đất nông nghiệp của toàn huyện thì diện tích đất trồng rau, màu chiếm gần 2.000ha. Nắm bắt xu hướng phát triển nông nghiệp và phát huy lợi thế của địa phương, thời gian qua, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất; nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, huyện cũng lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ bà con, HTX xây dựng nhà lưới, nhà màng nhằm hạn chế sâu bệnh hại và các yếu tố thời tiết bất lợi; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống mới có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất...  Từ đó, cung cấp ra thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Năm 2021, năng suất các loại rau trên địa bàn huyện Phú Bình đạt 180,2 tạ/ha, sản lượng trên 34.600 tấn.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, mặc dù diện tích rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên địa bàn huyện Phú Bình chưa nhiều (chỉ khoảng hơn 10ha) nhưng đây đang là hướng đi bền vững, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của bà con nông dân. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối với sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở địa phương. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để Phú Bình xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh rau màu; liên kết sản phẩm theo chuỗi, tạo tính bền vững, cung cấp sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường...

Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ là hướng đi mới mà Phú Bình hướng tới. Do vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới cho các HTX, hộ sản xuất ở một số xã Nhã Lộng, Dương Thành, Thanh Ninh... để sản xuất rau theo quy trình hiện đại, an toàn, với diện tích khoảng 5.000m2. Đồng thời, phối hợp với một số công ty giống cây trồng triển khai mô hình giống mới, cho năng suất cao; cử cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại; triển khai các điểm tưới tiết kiệm nước.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhóm hộ sản xuất để ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ, HTX kiến thức và kỹ năng giới thiệu sản phẩm thông qua xây dựng các fanpage, trong đó thể hiện được đầy đủ các thông tin về sản phẩm (năng suất, chất lượng, quy trình canh tác...). Từ đó, thúc đẩy sản xuất phát triển và giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua sản phẩm với khối lượng lớn.

Với các giải pháp thiết thực trên, huyện Phú Bình phấn đấu đến năm 2025, diện tích rau các loại được sản xuất trong nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao đạt 80ha, tập trung chủ yếu ở các xã Dương Thành, Nhã Lộng, Đào Xá, Xuân Phương, Úc Kỳ... Tổng sản lượng rau đạt 41.200 tấn (tăng hơn 6.000 tấn so với năm 2021), giá trị đạt trên 410 tỷ đồng. Đến năm 2030, diện tích rau an toàn, hữu cơ sẽ tăng lên 100ha với tổng sản lượng đạt gần 50.300 tấn, giá trị 530 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn, phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững.

Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: