Sớm khắc phục sạt lở Đường ven hồ Núi Cốc
Một vị trí sạt lở trên Tuyến đường ven hồ Núi Cốc chưa được khắc phục. |
Mặc dù Dự án xây dựng Đường ven hồ Núi Cốc, đoạn đi qua xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), chưa được nghiệm thu, bàn giao, nhưng nhiều điểm ta luy dương bị sạt lở, gây hỏng mặt đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông…
Dự án xây dựng Đường ven hồ Núi Cốc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, được triển khai từ cách đây gần 5 năm, với tổng số vốn hơn 120 tỷ đồng, nhằm phát triển hạ tầng Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc.
Tuyến đường có chiều dài 2,7km, có điểm đầu kết nối với ĐT.267 tại Km12. Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối phía Bắc và Nam hồ Núi Cốc, tạo động lực để phát triển du lịch tại đây.
Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành vào cuối năm 2020, nhưng trong quá trình triển khai, do chồng lấn quy hoạch và vướng về mặt bằng nên việc thi công gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ và được gia hạn đến cuối năm 2021.
Đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, dù công trình chưa được nghiệm thu, nhưng tình trạng sạt lở ta luy dương tại Tuyến đường ngày càng nghiêm trọng, nhất là sau các trận mưa lớn.
Ông Đặng Văn Đào, nhà ở xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, cho biết: Dự án triển khai đã đền bù một phần đất rừng của gia đình tôi. Sau trận mưa to năm 2019, phần diện tích đất nằm phía trên ta luy dương (chưa được đền bù giải phóng mặt bằng) sạt xuống tuyến đường. Do chủ đầu tư và gia đình chưa thống nhất phương án xử lý nên số đất bị sạt chưa được vận chuyển đi nơi khác. Hiện nay, nếu di chuyển số đất này đi thì phần đất phía trên ta luy lại tiếp tục sạt xuống.
Còn theo bà Dương Thị Hoa, cùng ở xóm Đồi Chè: Phần diện tích đất rừng của gia đình tôi dọc tuyến đường bị sạt lở gần 60m, có thể tiếp tục sạt lở nhưng chưa được xử lý, ảnh hưởng không nhỏ tới cây trồng của nhà tôi.
Ông Đặng Thanh Bình, Trưởng xóm Đồi Chè, thông tin: Tuyến đường ven hồ, đoạn từ đập phụ 3 đến đập phụ 4 sạt, trượt rất nhiều, ảnh hưởng đến đất sản xuất của 5 hộ dân, nhất là khi thời tiết mưa to. Nguyên nhân là do địa hình khu vực này dốc, ta luy dương cao hàng chục mét, nhưng đơn vị thi công không tiến hành cắt tầng hoặc có biện pháp chống sạt lở. Các hộ dân bị ảnh hưởng đều mong muốn chủ đầu tư hỗ trợ cây cối và diện tích đất bị sạt trượt.
Có mặt tại đoạn đường này, chúng tôi thấy có khoảng 7 điểm bị sạt lở, trong đó, nặng nhất là khu vực đất canh tác của hộ ông Đặng Văn Nhuận, hộ bà Dương Thị Hoa và ông Đặng Văn Đào, với hàng chục khối đất, đá tràn xuống đường. Do đất đá sạt xuống rãnh dọc thoát nước nên nước mưa chảy trên mặt đường, gây xói.
Ông Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, cho hay: Những phản ánh của người dân về việc Tuyến đường này bị sạt lở, ảnh hưởng đến đất canh tác là đúng. Tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng vì kết cấu địa chất và ta luy cao, dựng đứng. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền để người dân cho đơn vị thi công di dời đất đá sạt xuống đường. Tuy nhiên, bà con chưa nhận được hỗ trợ do bị ảnh hưởng nên không cho di dời số đất này đi nơi khác… Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư sớm hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng và có biện pháp ngăn ngừa tình trạng sạt lở.
Việc sạt lở ta luy dương của Tuyến đường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đất canh tác của người dân và mất an toàn giao thông. Vì vậy, chủ đầu tư và đơn vị thi công cần sớm có giải pháp khắc phục, trước mắt cần cắm biển cảnh báo nguy hiểm.