Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Năm 2020, tỉnh ta phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 803.300 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH KHVatec (Khu công nghiệp Điềm Thụy). |
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi công vụ; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC); tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) là những giải pháp cơ bản để lĩnh vực phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua. Bước sang năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các DN trên địa bàn đều nỗ lực ổn định sản xuất. Về mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ không thay đổi… Ông Phan Bá Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương đã nhấn mạnh vấn đề này khi trao đổi với chúng tôi.
Như chúng ta đã biết, liên tục nhiều năm qua, ngành Công Thương tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nổi bật trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn đạt 743.800 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước. Nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (như: Mạch điện tử tích hợp tăng 53,6%; sản phẩm may tăng 12%; xi măng tăng 16,4%; điện thương phẩm tăng 9,2%...). Riêng với sản phẩm điện thoại thông minh (là sản phẩm chủ đạo đóng góp lớn vào tốc độ tăng GTSXCN trên địa bàn tỉnh) đạt trên 102 triệu sản phẩm, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Năm qua cũng ghi nhận mức tăng tới 11,2% về giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh (với tổng kim ngạch đạt 27,6 tỷ USD). Về các nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Điện tử, điện thoại các loại (đạt 26,8 tỷ USD); sản phẩm may (đạt gần 340 triệu USD).
Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, cùng với các cấp, ngành của tỉnh, Sở Công Thương đã nỗ lực nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi công vụ; quyết liệt cải cách TTHC; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các DN. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính, cải cách hành chính (CCHC) theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại.
Hiện nay, toàn bộ 118 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Công Thương đã được công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở và tại bộ phận "một cửa"; đồng thời, Sở cũng kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phối hợp với Cổng giao tiếp điện tử của UBND tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2-3 cả trong và ngoài giờ làm việc. Cùng với đó, Sở đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ một số TTHC theo đúng quy định. Riêng trong năm 2019, Sở cắt giảm 4 TTHC, giảm thời gian giải quyết 2 TTHC khác. Đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, cung cấp dịch vụ hành chính công và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực ngành Công Thương địa phương.
Với các cán bộ, viên chức trong ngành, Sở Công Thương quán triệt và yêu cầu thực hiện nghiêm túc “4 xin, 4 luôn” (gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ) trong giao tiếp, xử lý công việc với DN, người dân và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của công chức, viên chức. Nhờ đó, 100% các hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn, không có hồ sơ nào bị quá hạn. Trong năm qua, Sở cũng đã tổ chức hội nghị đối thoại với DN để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó cùng đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Sở…
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Bởi vậy, trong năm nay, tỉnh ta quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã đề ra, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ mục tiêu chung của tỉnh, ngành Công Thương đã xây dựng các chỉ tiêu cụ thể: GTSXCN - tiểu thủ công nghiệp năm nay tăng 8% so với năm 2019; giá trị xuất khẩu tăng 7%. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu này, ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển ngành được lãnh đạo Sở Công Thương xác định là cần tiếp tục đẩy mạnh CCHC, bảo đảm công khai, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thống nhất vì sự phát triển chung. Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN thì việc tổ chức đối thoại thông qua hội nghị hoặc trực tiếp gặp gỡ được lãnh đạo Sở đặc biệt chú trọng. Hiện nay, Sở đang xây dựng kế hoạch cụ thể về việc này để triển khai thực hiện ngay trong quý I.
Đại diện doanh nghiệp đến giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa” của Sở Công Thương.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, có một điểm rất đáng lưu ý ngay từ đầu năm nay là dịch COVID-19 có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các ngành kinh tế, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, với quyết tâm không thay đổi những mục tiêu, kế hoạch đã được tỉnh đề ra, cùng với các cấp, ngành, Sở Công Thương đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng, thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với lĩnh vực SXCN, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn. Cụ thể, Sở kịp thời khuyến cáo, hỗ trợ các DN triển khai những giải pháp thích ứng để ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như: Thực hiện nghiêm quy định của ngành chức năng để phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người lao động (cụ thể là người lao động cần đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn, được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào làm việc). Đối với những DN có chuyên gia, người lao động Trung Quốc về nghỉ Tết chưa trở lại làm việc do dịch bệnh, cần kịp thời triển khai phương án bố trí lực lượng lao động thay thế và phương án sản xuất phù hợp, không để ảnh hưởng đến các dự án cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Đặc biệt, đối với một số DN nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất, khẩn trương thay thế nguồn cung cấp nguyên, phụ liệu khác, bảo đảm hoạt động ổn định, duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động.
Còn trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với các DN trên địa bàn tỉnh ta cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Đây là những giải pháp cấp thiết nhằm ổn định sản xuất của các DN, từ đó góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch đã được tỉnh đề ra trong lĩnh vực phát triển SXCN, xuất khẩu hàng hóa năm nay.