Tôn vinh cây chè, các sản phẩm và văn hóa Trà

Cập nhật: Thứ bẩy 09/11/2013 - 08:18
 Vùng chè Tân Cương
Vùng chè Tân Cương

Thái Nguyên được cả nước biết đến không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, An toàn khu kháng chiến năm xưa, mà còn bởi ở đây có đặc sản nổi tiếng “chè Thái Nguyên”.

Cùng với các tỉnh có thế mạnh về cây chè, sản phẩm Trà Thái Nguyên đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế. Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai năm 2013 được tổ chức nhằm tiếp tục tôn vinh cây chè, các sản phẩm và văn hóa Trà, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các tỉnh, thành phố và tỉnh Thái Nguyên; nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với cây chè và sản phẩm trà; tiếp tục khẳng định thương hiệu “Đệ nhất danh trà” của Trà Thái Nguyên với du khách trong nước và quốc tế…

 

Hiện nay, ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Thái Nguyên, người dân đều tham gia trồng, chế biến chè. Với diện tích trồng chè chiếm gần 19.000ha (đứng thứ hai trong cả nước), Thái Nguyên đang là tỉnh dẫn đầu về năng suất, chất lượng chè, sản lượng chè búp tươi đạt gần 200.000 tấn/năm, hàng năm xuất khẩu trực tiếp 7.200 tấn sản phẩm trà các loại sang các nước và vùng lãnh thổ (như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Đài Loan, Srilanca, Nhật Bản, Pakistan…), chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu trà của cả nước.

 

Sau những thành công của Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam năm 2011, sản phẩm trà của các địa phương, trong đó có trà Thái Nguyên, đã được nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến; nhiều làng nghề chè được công nhận; những người làm chè đã tự nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng trà thành phẩm, ý thức rõ ràng hơn về thương hiệu sản phẩm, về việc tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư... Các hộ gia đình, doanh nghiệp, làng nghề, các hợp tác xã chè đã có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cũng thông qua Liên hoan Trà lần thứ nhất, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên nhiều hơn. Cụ thể, trong 9 tháng của năm nay, nguồn vốn FDI đăng ký được cấp phép đầu tư vào tỉnh đạt 3,5 tỷ USD, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của ngành chè Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên. Các nội dung của Đề án vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân làm chè, qua đó khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, giới thiệu giá trị văn hóa Trà Việt Nam với đông đảo nhân dân trong nước và nước ngoài, giao lưu, hợp tác quốc tế, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa, du lịch, dịch vụ liên quan đến cây chè và sản phẩm Trà…

 

Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013 được tổ chức nhằm tiếp tục tôn vinh cây chè, các sản phẩm và văn hóa Trà, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các tỉnh, thành phố và tỉnh Thái Nguyên; nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với cây chè và sản phẩm trà, tiếp tục khẳng định thương hiệu “Đệ nhất danh trà” của Trà Thái Nguyên với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là phát triển cây chè, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trà với các tỉnh trong cả nước và trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động tại Festival Trà lần này còn có ý nghĩa thúc đẩy việc phục dựng, tạo lập và phát huy giá trị các hoạt động lễ hội, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, hấp dẫn, độc đáo của tỉnh Thái Nguyên, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Festival Trà lần thứ hai diễn ra từ ngày 9 đến 11-11 với chủ đề "Trà Việt Nam - Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa", thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề chè đến từ các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Hà Nội, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn La, T.P Hồ Chí Minh và đoàn Trà của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan. Đây cũng là dịp để các tỉnh, thành phố, các quốc gia quảng bá, giới thiệu về sản phẩm trà, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

 

Đến với Festival Trà lần thứ hai, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động thiết thực, hấp dẫn, như: Lễ hội Văn hóa Trà; Đêm hội thưởng Trà; Hội thảo về phát triển thương hiệu Trà, xúc tiến đầu tư phát triển ngành chè và xúc tiến du lịch; Carnaval Trà Thái Nguyên; cuộc thi “Người đẹp xứ Trà”, Chợ quê trưng bày sản phẩm trà và sản phẩm văn hóa các dân tộc… Du khách xa gần sẽ được thưởng thức những chén trà thơm, cảm nhận văn hóa Trà Việt giản dị, gần gũi nhưng cũng rất đỗi tinh tế như tâm hồn người Việt, như mảnh đất và con người Thái Nguyên.

 

Festival Trà lần thứ hai được tổ chức còn là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp, các nghệ nhân có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về việc trồng, chăm sóc cây chè, chế biến sản phẩm Trà, tác dụng của sản phẩm Trà đối với đời sống con người. Đặc biệt, mọi người cùng thêm yêu mến cây chè và sản phẩm Trà thông qua các loại hình nghệ thuật đặc sắc; đến thăm các điểm du lịch nổi tiếng để hiểu hơn về nét văn hóa độc đáo, giàu truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hóa của đất và người Thái Nguyên…

Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: