Trăn trở việc sáp nhập xóm, tổ dân phố ở Định Hóa
Người dân xóm Làng Quyền, xã Lam Vỹ (Định Hóa) biểu quyết thông qua chủ trương sáp nhập xóm Làng Quyền và xóm Thâm Pục. |
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố (TDP) không đảm tiêu chuẩn theo quy định, thời gian qua, huyện Định Hóa đã tập trung rà soát lại toàn bộ các thôn, TDP trên địa bàn; đồng thời, xây dựng đề án và lấy ý kiến nhân dân tại các xóm, TDP thuộc diện phải sáp nhập. Nhìn chung, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của đông đảo quần chúng nhân dân, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề khiến cho chính quyền địa phương và người dân còn băn khoăn, trăn trở…
Huyện Định Hóa hiện có 24 xã thị trấn với 435 xóm, TDP. Với đặc thù là địa phương miền núi nên hầu hết các thôn, TDP trên địa bàn huyện đều có quy mô dân số thấp. Qua rà soát, toàn huyện chỉ có 2 xóm đạt tiêu chuẩn về quy mô hộ gia đình (trên 150 hộ) và có tới 332 xóm, TDP có quy mô số hộ gia đình dưới 50% tiêu chuẩn quy định của Bộ Nội vụ (dưới 75 hộ). Mặc dù quy mô các xóm, TDP nhỏ lẻ, dân cư thưa thớt nhưng theo quy định, tại các xóm, TDP vẫn có đầy đủ 12 chức danh hoạt động không chuyên trách và cán bộ phụ trách các hội, đoàn thể được hưởng phụ cấp, trợ cấp hằng tháng, bao gồm: Bí thư chi bộ, trưởng xóm, công an viên, thôn đội trưởng, chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi, chi đoàn thanh niên, chi hội nông dân... Trung bình, mỗi năm, Ngân sách Nhà nước phải chi trả cho đội ngũ này trên địa bàn toàn huyện khoảng 30 tỷ đồng.
Đồng chí Lương Văn Hiền, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Định Hóa cho biết: Mặc dù các xóm, TDP trên địa bàn huyện đều có quy mô nhỏ, không đồng đều nhưng vẫn phải bố trí số lượng cán bộ không chuyên trách đảm bảo theo quy định. Điều này đã tạo ra gánh nặng không nhỏ cho Ngân sách Nhà nước. Mặt khác, thực trạng quy mô các xóm, TDP nhỏ lẻ, số hộ gia đình ít còn khiến cho việc huy động tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống phúc lợi công cộng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc sáp nhập, kiện toàn các xóm, TDP là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết.
Thực hiện chủ trương đó, huyện Định Hóa đã chỉ đạo 24/24 xã, thị trấn xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập xóm, TDP không đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Theo đó, trong năm 2019, toàn huyện sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập đối với 332 xóm, TDP để thành lập 181 xóm, TDP mới. Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn huyện sẽ còn 225 xóm, TDP, giảm 210 xóm, TDP so với hiện nay. Qua đó, giảm được 2.343 người hoạt động không chuyên trách và các chức danh phụ trách hội, đoàn thể ở cơ sở; đồng nghĩa với việc giảm chi ngân sách Nhà nước trên 8 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, TDP còn giúp các địa phương tập trung nguồn nhân lực, tạo sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, góp phần đẩy mạnh phong trào đoàn kết để thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành Đề án sắp xếp, sáp nhập xóm, TDP và đang tiến hành quy trình xin ý kiến nhân dân. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên hầu hết người dân đã thấy rõ được lợi ích và đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương sắp xếp, sáp nhập xóm, TDP. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế, đối chiếu với các quy định của Bộ Nội vụ, bước đầu việc sắp xếp các xóm, TDP ở huyện Định Hóa đang gặp khó khăn, trở ngại, trong đó yếu tố đặc thù về địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác là những trở ngại lớn nhất.
Tại xã Lam Vỹ, mặc dù toàn xã chỉ có 1.118 hộ gia đình nhưng được phân bố rải rác trên địa bàn 20 xóm, bản với tổng diện tích đất tự nhiên rộng trên 4.368ha. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mông Đình Cường, Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ cho biết: Hiện nay, toàn bộ 20 xóm, bản trên địa bàn xã đều có quy mô số hộ gia đình đạt dưới 50% tiêu chuẩn quy định. Theo kế hoạch, xã sẽ tiến hành sáp nhập 20 xóm thành 10 xóm. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập cả 10/10 xóm vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn về quy mô hộ gia đình. Trong đó, xóm Làng Quyền sau khi sáp nhập có số hộ gia đình thấp nhất với chỉ 80 hộ. Mặc dù vậy, xóm Làng Quyền cũng như các xóm, bản khác không thể tiến hành sáp nhập thêm do diện tích hiện nay đã quá rộng. Xóm rộng nhất có diện tích lên tới 1.047ha (rộng tương đương với 1 xã miền xuôi), khoảng cách từ hộ xa nhất đến trung tâm xóm là 6,3km. Do đó, nếu sáp nhập thêm để đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định thì người dân sẽ rất khó khăn khi tham gia các hoạt động chung của xóm; đồng thời, công tác chỉ đạo, điều hành của cán bộ xóm cũng vất vả. Đây là một trong những trở ngại khiến chính quyền địa phương và người dân băn khoăn trong quá trình thực hiện sáp nhập, kiện toàn các xóm, bản.
Thực tế sau khi sáp nhập, nhiều xóm, TDP vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn về quy mô hộ gia đình nhưng không thể thực hiện sáp nhập thêm do địa bàn quá rộng không chỉ riêng ở xã Lam Vỹ mà còn xảy ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Định Hóa. Do đó, dự kiến sau khi tiến hành sáp nhập, toàn huyện vẫn còn 179 xóm, TDP có quy mô hộ gia đình dưới 150 hộ.
Một trong những vấn đề nảy sinh trong quá trình sáp nhập xóm, TDP đó là việc sử dụng nhà văn hóa của các xóm, TDP sao cho hợp lý. Bà Vũ Thị Lụa, Bí thư chi bộ xóm Bãi Hội, xã Bảo Cường cho biết: Theo kế hoạch, xóm Bãi Hội sẽ sáp nhập với 2 xóm khác là Nà Lai và Thanh Cường để thành lập xóm mới với quy mô 159 hộ gia đình. Trước đây, trong quá trình phấn đấu về đích nông thôn mới, cả 3 xóm đã xây dựng nhà văn hóa mới khang trang với mức đầu tư 400-500 triệu đồng/nhà văn hóa. Nay sáp nhập lại 3 xóm thành 1, chúng tôi chưa biết phải sử dụng nhà văn hóa như thế nào cho phù hợp. Vì nếu sử dụng cả 3 nhà thì không hợp lý, mà sử dụng 1 trong 3 nhà lại càng không hợp lý vì số lượng hộ dân đã tăng lên gấp 3 lần nên quy mô nhà văn hóa không thể đáp ứng được. Trong khi đó, nếu xây dựng một nhà văn hóa mới thì xóm không có nguồn lực để đầu tư. Đây cũng băn khoăn chung của người dân ở nhiều xóm, TDP khác trên địa bàn huyện.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Những băn khoăn của người dân trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập xóm, TDP trên địa bàn huyện đã được chúng tôi tiếp thu và đang nỗ lực tìm hướng giải quyết. Quan điểm của huyện là tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân; đồng thời, xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng trước khi tiến hành sáp nhập để đảm bảo hiệu quả của việc sáp nhập, kiện toàn.