Trọng trách người đứng đầu
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, sau ngày 22-4, yêu cầu về cách ly toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được nới lỏng hơn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được tăng cường trên cơ sở vẫn đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Trong đó nhấn mạnh, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc cho các cơ quan, đơn vị mình một cách phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để đình trệ, nhất là công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật.
Chúng ta đều biết, mấy tháng qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, trong đó đáng chú ý là Chỉ thị 16/CT-TTg nhằm cách ly toàn xã hội. Việc quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19 đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng cũng tác động nhất định đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chỉ đạo thống nhất của Chính phủ là vẫn phải đảm bảo mục tiêu “kép” . Để thực hiện nhiệm vụ đó không có cách nào khác là tất cả cùng nỗ lực vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế. Lúc này, đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… phải được đề cao.
Với Thái Nguyên, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về vấn đề này là nhất quán. Tại các hội nghị chỉ đạo công tác phòng, chống dịch vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy luôn khẳng định: Cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là người đứng đầu phải thực hiện nghiêm quy định, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra, không được xem nhẹ mục tiêu nào. Nếu cơ quan, đơn vị nào lơ là làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trong văn bản chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các hoạt động tại cơ quan, đơn vị mình, không để công việc đình trệ.
Như vậy, nếu cơ quan đơn vị nào mà người đứng đầu có trách nhiệm, phát huy hết vai trò, khả năng để điều hành, xử lý tốt những vấn đề phát sinh, chắc chắn nhiệm vụ đề ra của cơ quan, đơn vị đó sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức; còn nếu người đứng đầu thiếu nỗ lực, chưa linh hoạt trong giải quyết công việc, chậm trễ, ỷ lại… coi như chưa làm tròn trọng trách, không chỉ khiến nhiệm vụ của ngành mình bị “thủng” mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu chung của cả tỉnh. Do đó, để hoàn thành mục tiêu “kép” mà Chính phủ yêu cầu đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp…