Xanh thêm những cánh rừng
Người dân thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) trồng rừng bằng giống keo tai tượng và keo Úc. |
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trong tỉnh đang tập trung phát dọn, xử lý thực bì, cuốc hố, tập kết phân bón, cây giống để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Song hành với người dân, lực lượng Kiểm lâm cũng tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống và hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rừng, nhằm đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế.
Cùng chúng tôi đi thực tế trên khoảnh đồi đã được cuốc hố để chuẩn bị trồng rừng, bà Lương Thị Vui, hộ dân ở tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn, chia sẻ: Trước đây, nhà tôi trồng cây trám, sau 7 năm mới cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, năm nay, chúng tôi đã chuyển đổi sang trồng keo Úc và keo tai tượng, với diện tích 4ha. Được cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn, tôi tiến hành bỏ phân và bóc bầu trước khi trồng để rễ cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Thời gian qua, nhiều hộ dân trong xung quanh cũng đã trồng keo và thu được từ 70-80 triệu đồng/ha sau chu kỳ 7 năm nên tôi rất trông chờ vào vụ trồng rừng năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu trồng 270ha rừng gỗ lớn, từ cuối năm 2021, chúng tôi đã có văn bản gửi tới 30/30 xã, thị trấn trên địa bàn đề nghị rà soát quỹ đất, trên cơ sở đó lập kế hoạch trồng rừng năm 2022. Ngoài ra, Hạt cũng cử cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường hướng dẫn người dân cách xử lý thực bì, cuốc hố đảm bảo khoảng cách theo đúng quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
Đối với huyện miền núi Định Hóa, ngoài keo thì quế cũng là cây trồng có thế mạnh được bà con đưa vào trồng đại trà. Anh Hoàng Văn Thắng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện, cho hay: Năm nay, Định Hóa có kế hoạch trồng 1.000ha rừng, trong đó có 500ha quế. Đến cuối tháng 3, Hạt đã tiến hành cấp cây quế giống được trên 300ha. Tranh thủ thời tiết mát mẻ, có mưa ẩm, bà con đã bắt đầu xuống giống, góp phần phủ xanh những cánh rừng. Từ nay đến năm 2025, huyện Định Hóa phấn đấu giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng 59%.
Không riêng 2 huyện Đại Từ, Định Hóa, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương… bà con nông dân cũng đang tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, không để xảy ra tình trạng cây “chờ” đất. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 3.700ha rừng tập trung theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn 860ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Các loại cây được bà con đưa vào trồng gồm: Keo tai tượng, keo Úc, quế, mỡ, giổi xanh, bạch đàn…
Nhân viên Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên chăm sóc cây keo giống
Nhằm đảm bảo chất lượng cây giống, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên yêu cầu các Hạt kiểm lâm tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vườn ươm từ khâu chuẩn bị hạt giống, gieo ươm, đến xuất vườn. Đồng thời, tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất giống kém chất lượng. Lực lượng Kiểm lâm cũng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng, tránh tình trạng trồng với mật độ dày, trong quá trình sinh trưởng phát triển, cây quang hợp kém dẫn đến sức đề kháng yếu, rất dễ nhiễm sâu, bệnh hại. Ngoài ra, các đơn vị còn phối hợp với địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp thâm canh rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, gắn với cấp Chứng chỉ quản lý rừng để tạo vùng nguyên liệu gỗ tập trung, phục vụ công nghiệp chế biến. Đồng thời, chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm diện tích rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế cũng như môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn.
Để tránh tình trạng cây trồng bị gãy, đổ do giống không đảm bảo, ngành chức năng khuyến cáo người dân nên sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, mua ở những địa chỉ uy tín để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng. Bà con cũng cần lưu ý, không trồng cây trong những ngày nắng nóng kéo dài mà nên tranh thủ thời tiết râm mát, có mưa ẩm để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, giúp cây trồng sinh trưởng tốt.