Xây dựng Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng của vùng (kỳ 2)

Cập nhật: Thứ ba 24/05/2022 - 07:51
 Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua địa bàn huyện Định Hóa đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ảnh: C.T.V
Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua địa bàn huyện Định Hóa đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ảnh: C.T.V

Kỳ 2: “Thủ phủ công nghiệp mới” và nhiệm vụ chiến lược

Như ở bài viết trước chúng tôi đã đề cập, Thái Nguyên đang trong xu thế hình thành “cực tăng trưởng mới” rất mạnh và đầy triển vọng. Chỉ sau khoảng hai kế hoạch 5 năm, Thái Nguyên đã phát triển thành một thực lực kinh tế mạnh, có độ tập trung kinh tế cao. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình xây dựng cực tăng trưởng, tỉnh Thái Nguyên còn nhiều việc phải làm.

“Thủ phủ công nghiệp mới”  

Từng là “Thủ phủ công nghiệp gang thép” của miền Bắc, Thái Nguyên đã có những chuyển hướng mạnh mẽ về cấu trúc và đẳng cấp phát triển. Một lần nữa, Thái Nguyên đang biến mình thành “Thủ phủ công nghiệp mới” với hạt nhân là Tổ hợp công nghệ cao Samsung. Samsung đang đóng vai trò là động lực phát triển mạnh mẽ bậc nhất của Thái Nguyên, là tác nhân tạo sức lan tỏa phát triển mạnh mẽ bậc nhất của vùng.

Nhìn tổng thể trong 10 năm qua, Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm gần 12% - một thành tích mang dáng dấp của sự “thần kỳ”. Tỉnh đang là một trong những điểm đến hấp dẫn, tin cậy của doanh nghiệp. Cho đến nay, Thái Nguyên đã thu hút gần 170 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 9 tỷ USD, trong đó, Samsung chiếm hơn 2/3. Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thái Nguyên có hàng loạt khu công nghiệp (KCN) lớn như: KCN Sông Công I (195ha), KCN Sông Công II (250ha), KCN Nam Phổ Yên (120ha), KCN Yên Bình (400ha), KCN Điềm Thụy (350ha), KCN Quyết Thắng (105ha); trong đó, 4 KCN đã đi vào hoạt động là Sông Công I, Nam Phổ Yên, Yên Bình và Điềm Thụy…

Đột phá phát triển công nghiệp đặt Thái Nguyên vào quá trình bùng nổ phát triển trên toàn tuyến, ở mọi lĩnh vực, trước hết là sự bùng nổ dân số - lao động và phát triển đô thị. Theo thống kê mới nhất của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, chỉ riêng số lao động của khối doanh nghiệp FDI tại Thái Nguyên đã đạt trên 121.000 người, một bộ phận lớn trong số đó là lao động ngoại tỉnh, và lao động là người nước ngoài có khoảng 5.000 người. Tuyệt đại bộ phận lao động này đều là những người trẻ, đa số chưa lập gia đình.

Việc tập trung dân số - lao động cao độ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh sang các ngành sản xuất và cung ứng lương thực - thực phẩm, ngành dịch vụ, bùng nổ nhu cầu nhà ở và thúc đẩy quá trình đô thị hóa. 

Nắm bắt cơ hội này, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành Bất động sản như: Danko Group, MIA, Tập đoàn TMS, Phúc Lộc, Xuân Trường… đã "rót vốn" vào Thái Nguyên với các dự án quy mô. Có thể kể đến Dự án Khu đô thị Mia Forest; Dự án Phổ Yên Residence; Khu đô thị mới Diamond City Thái Nguyên; Dự án Kosy - TP. Sông Công; Dự án TBCO Riverside; Dự án Crown Villas; Dự án Khu đô thị TMS Bắc Sơn…

Thái Nguyên đang chuyển từ xu thế “công nghiệp hóa cổ điển” sang “hiện đại hóa - hội nhập quốc tế” một cách triệt để. Sự lựa chọn phát triển các tổ hợp đô thị hiện đại -  công nghiệp - công nghệ cao, định hướng hội nhập quốc tế của Thái Nguyên là phù hợp với xu thế thời đại, do đó, có cơ sở bảo đảm thành công. 

Được đầu tư bài bản với cảnh quan đẹp, Trung tâm Thương mại - Du lịch Dũng Tân (TP. Sông Công) là sự lựa chọn của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Hai nhiệm vụ chiến lược phải làm

Kinh nghiệm cho thấy, điểm mấu chốt để đạt được mục tiêu trở thành cực tăng trưởng là Thái Nguyên cần thực hiện hai nhiệm vụ. Một là, xác lập tầm nhìn chiến lược phù hợp với thời đại, với các mục tiêu mang tính khát vọng cao, được xác định cụ thể và rõ ràng. Hai là, cải cách thể chế mạnh mẽ để có một môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao, coi đây là công cụ quan trọng nhất, là “phần mềm - hệ điều hành” của trung tâm cực tăng trưởng vùng.

Đối với cả hai nhiệm vụ này, việc xây dựng Quy hoạch phát triển tổng thể mang tính tích hợp tầm nhìn đến năm 2050 mà tỉnh đang triển khai là một cơ hội rất lớn cần được tận dụng tối đa.

Về vấn đề “tầm nhìn - khát vọng”, tư duy định hướng “công nghệ cao - sạch - thông minh” phải chi phối các nỗ lực định hình cơ cấu kinh tế của “cực tăng trưởng Thái Nguyên” - nghĩa là định hình vai trò chức năng của tỉnh trong các mối liên kết và chuỗi sản xuất - chuỗi cung ứng của vùng Thủ đô. 

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên vẫn nghiêng về các khâu công nghệ thấp - giá trị gia tăng thấp - tiền lương thấp. Cần phải sớm tái định hướng lại cơ cấu này để các ngành công nghiệp - nền tảng phát triển - không kìm giữ Thái Nguyên quá lâu trong hệ sinh thái công nghiệp “đời cũ”, sẽ thiếu sức cạnh tranh quốc tế và khó hội nhập hiệu quả trong tương lai.

Định hướng công nghiệp sẽ quyết định triển vọng đô thị hóa của Thái Nguyên - có thật sự bứt phá và chuyển mình thành một đô thị hiện đại, thông minh và đáng sống đúng nghĩa. Nếu không định hướng phát triển cả tỉnh thành một đô thị như vậy, Thái Nguyên khó mà tạo được sức hấp dẫn dân cư - lao động, đặc biệt là lực lượng chất lượng cao.

Cách tiếp cận phát triển đô thị của Thái Nguyên đương nhiên dựa trên nền tảng công nghiệp, song Thái Nguyên, với tư cách là “Thủ phủ vùng”, có những lợi thế để trở thành một trung tâm giáo dục, y tế và văn hóa của cả vùng núi phía Bắc.

Để thực sự là cực phát triển - không đơn thuần chỉ là cực tăng trưởng - của vùng Thủ đô, Thái Nguyên - “Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn” - còn phải phấn đấu trở thành một đô thị tỏa “ánh sáng đặc thù vùng Đông Bắc” xuống vùng Thủ đô, tạo nên sức hấp dẫn văn hóa khác thường. Cộng hưởng nó với sức hấp dẫn của một trung tâm công nghiệp, Thái Nguyên sẽ khẳng định vị thế đặc biệt trong sơ đồ phát triển của Vùng Thủ đô. 

(Hết)

TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: