Phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại lúa

Cập nhật: Thứ ba 31/05/2011 - 08:56

Hiện nay, sâu bệnh hại lúa xuân đang có chiều hướng phát triển. Đối tượng gây hại chủ yếu là rầy nâu, rầy lưng trắng; sâu đục thân hai chấm; sâu đục thân cú mèo; chuột; bọ xít dài; đạo ôn lá; bệnh khô vằn.

 

Đáng lưu ý là bệnh khô vằn, phát sinh và gây hại từ cuối tháng 4, cao điểm gây hại giữa tháng 5, với diện tích nhiễm bệnh là 2750 ha, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình từ 8-10%, nơi cao 20-30%, cá biệt có nơi lên tới trên 40%, bệnh xuất hiện muộn hơn các năm trước. Tiếp đến là đối tượng gây hại rầy nâu, rầy lưng trắng. Mật độ rầy tăng nhanh từ giữa tháng 5 đến nay, gây hại trên lúa ở giai đoạn đòng - trỗ, với diện tích trên 110ha. Mật độ trung bình 500-600 con/m2, nơi cao 2.000 con/m2 (T.P Thái Nguyên). Cá biệt như ở Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, có nơi lên đến 3.000-5.000 con/m2.

 

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ Thực vật, trong thời gian tới, rầu nâu, rầy lưng trắng khả năng sẽ tăng nhanh mật độ và phạm vi gây hại, nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lương thực vụ xuân; sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây hại trên trà lúa trỗ đầu tháng 6, tập trung chủ yếu ở các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa và các xã phía Bắc của Đồng Hỷ, Đại Từ.

 

Do đó, để phòng, trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại lúa, Chi cục đang tiếp tục chỉ đạo Trạm Bảo vệ Thực vật các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tham mưu cho lãnh đạo địa phương có biện pháp chỉ đạo kịp thời khi rầy và các đối tượng sâu bệnh hại gia tăng mật độ; phân công cán bộ các phòng: Kỹ thuật, Kiểm dịch, Thanh tra phối hợp với các địa phương trong công tác phòng, trừ sâu bệnh…

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: