Thái Nguyên: Quyết liệt chống dịch lở mồm long móng
Ổ dịch LMLM ở gia súc đầu tiên được phát hiện tại Thái Nguyên từ ngày 27-12-2010, với tốc độ lây lan nhanh, đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã với tổng số gia súc mắc bệnh là trên 8.500 con của 2.567 hộ dân ở 587 xóm thuộc 119 xã. Lực lượng chức năng đã cho tiêu huỷ trên 3.690 con gia súc, trong đó có hơn 3.270 con lợn.
Nhằm ngăn chặn và dập dịch, tỉnh đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp tỉnh, 24 chốt cấp huyện duy trì hoạt động 24/24 giờ. Các chốt kiểm dịch này đã phát hiện, xử lý 18 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tiêu huỷ 10 con trâu, 10 con lợn, trên 7,3 tạ sản phẩm động vật, phạt hành chính số tiền gần 22 triệu đồng.
Hiện nay, ngoài việc phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại và đường làng ngõ xóm bằng vôi bột, người dân còn chữa trị cho gia súc theo kinh nghiệm như lấy khế chua, chanh, quất, phèn chua… giã nát rửa cho gia súc, tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng nhận định: Dịch LMLM diễn ra lần này có một số đặc điểm bất thường như: lợn mắc bệnh nhiều hơn các loại gia súc khác và hiện nay do trên thế giới, một số nước như Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên dịch LMLM cũng đang diễn biến nghiêm trọng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn vắc-xin nhập khẩu từ nước ngoài. Để khắc phục những khó khăn này, trước mắt, tỉnh đưa ra nhiều biện pháp với phương châm "tìm dịch mà chống", trong đó công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hiểm của dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, lực lượng thú y cơ sở cũng cần tăng cường quản lý dịch tại các hộ dân, không chăn thả lẫn gia súc bị bệnh, không giết mổ gia súc bừa bãi... Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp xử lý ổ dịch như khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột để khống chê lây lan, khi phát hiện gia súc nhiễm dịch phải tiêu huỷ ngay... Mặc dù, tỉnh mới có quyết định công bố dịch tại một số xã và huyện Đại Từ nhưng đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các biện pháp phòng chống dịch phải được triển khai quyết liệt với quy mô cấp tỉnh.
Về vấn đề vận chuyển, giết mổ gia súc, tỉnh cho phép các trang trại chăn nuôi vận chuyển, tiêu thụ gia súc ra khỏi vùng dịch trong trường hợp có xác nhận của cơ quan thú y địa phương đã tiêm phòng cho gia súc trong vòng 14 ngày. Tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và Công ty một thành viên thuốc thú y Trung ương 2 (Navetco) cấp vắc-xin để tiến hành tiêm phòng. Đến nay, Công ty một thành viên thuốc thú y Trung ương đã cung cấp 9.000 liều vắc-xin LMLM (còn thiếu 1.000 liều so với số lượng vắc-xin đã đề nghị được cấp). Trong thời gian tới, Công ty sẽ cấp 20.000 liều vắc-xin type O. Có vắc-xin LMLM, tỉnh đã khẩn trương thực hiện công tác tiêm phòng tại những "vùng nóng" của dịch bệnh.
Trong khi thời tiết diễn biến bất lợi, tạo điều kiện cho dịch bệnh LMLM phát triển nhanh như hiện nay, tỉnh ta vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng, chống một cách quyết liệt để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc và tài sản của người chăn nuôi.