BIDV với chuyển đổi số

Cập nhật: Thứ sáu 03/09/2021 - 11:05
 Ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng kênh tự phục vụ (E-zone) tại Hội sở chính BIDV Thái Nguyên.
Ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng kênh tự phục vụ (E-zone) tại Hội sở chính BIDV Thái Nguyên.

Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành ngân hàng có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, những năm qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói chung, BIDV Thái Nguyên nói riêng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới toàn diện hoạt động theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy việc triển khai chiến lược này hiện vẫn trong giai đoạn đầu song những kết quả đạt được bước đầu có thể nói là rất ấn tượng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của khách hàng và xã hội.

Tiến trình chuyển đổi

Trước năm 2018, trong khi thuật ngữ chuyển đổi số còn chưa được nhắc đến nhiều tại Việt Nam thì trước đó, từ tháng 7-2017, Hội đồng quản trị BIDV đã ban hành Nghị quyết về Định hướng phát triển ngân hàng số, trong đó xác định: Phát triển ngân hàng số tại BIDV là một cấu phần nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh tổng thể của BIDV giai đoạn 2017-2025 tầm nhìn 2030.

Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết này, tháng 3-2019, BIDV đã chính thức ra mắt Trung tâm Ngân hàng số và đến tháng 8-2020, BIDV đã phát động chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng, với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi để dẫn đầu”. Đây có thể nói là một bước đi mạnh mẽ của BIDV trong nỗ lực chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn...
Gần đây nhất, ngày 31/5/2021, BIDV phê duyệt Nghị quyết 468/NQ-BIDV về chiến lược chuyển đổi số của BIDV giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 với 4 trụ cột chính: (1) Số hóa toàn diện 360 độ; (2) Xây dựng hệ sinh thái số đa dạng; (3) Xây dựng văn hóa chuyển đổi số; (4) Làm chủ tương lai số hoá.

Mục tiêu Chiến lược

Tính đến đầu tháng 8-2021, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 67.171 tỷ đồng, tăng 4.683 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay của BIDV Thái Nguyên đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 804 tỷ đồng.

Để trở thành ngân hàng có nền tảng số tốt nhất tại Việt Nam, BIDV chú trọng phát triển nhanh nền khách hàng số, thu hút khách hàng chuyển dịch giao dịch từ kênh truyền thống sang kênh số; gia tăng tiện ích và trải nghiệm khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; tăng cường hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm/dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hoạt động nghiệp vụ, quản trị rủi ro và an toàn hệ thống.

Đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm dịch vụ ngân hàng cung ứng trên môi trường số đạt ít nhất 70% và sẽ đạt 100% vào năm 2030;  số lượng giao dịch tài chính của khách hàng trên kênh số tối thiểu đạt lần lượt 70% và 80%; số lượng hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số đạt ít nhất 70% vào năm 2025 và 90% đến năm 2030…

Điểm sáng BIDV Thái Nguyên

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số nên ngay khi BIDV triển khai,  Chi nhánh BIDV Thái Nguyên đã tích cực thực hiện hành trình số hóa theo định hướng của Hội sở chính bằng việc chuyển đổi hầu hết các quy trình hiện tại từ đa phần được xử lý thủ công sang số hóa một phần, rồi số hóa đa phần, đến số hóa toàn phần trong tương lai. Đơn cử như trong quản lý nội bộ, việc quản lý, triển khai các văn bản và quản lý, đánh giá cán bộ, phần lớn đã được thực hiện qua ứng dụng.

Trụ sở Hội sở chính BIDV Thái Nguyên tại số 653, đường Lương Ngọc Quyến, T.P Thái Nguyên.

Còn trong công tác tín dụng đang từng phần được số hóa: Trình duyệt hạn mức, lưu trữ hồ sơ tín dụng, hồ sơ tài sản bảo đảm của khách hàng. Hay như trong tác nghiệp sản phẩm dịch vụ khách hàng bán lẻ, Chi nhánh đã số hóa hầu hết trên ứng dụng… Qua đó đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả xử lý công việc, hiệu quả quản trị điều hành, nâng cao độ chính xác trong quá trình xử lý công việc, giảm thiểu rủi ro và giảm thời gian tác nghiệp, nâng cao năng suất lao động và chất lượng phục vụ khách hàng; tiết giảm các chi phí không cần thiết.

Tính đến hết quý II/2021, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Chi nhánh đạt 76.344 giao dịch, tăng 60%; tỷ trọng số lượng giao dịch tài chính của khách hàng trên kênh số chiếm gần 21%, tăng 4% so với cùng kỳ 2020.

Có thể nói, chuyển đổi số đang ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội và trở thành xu hướng tất yếu của tất cả ngành, nghề, lĩnh vực. Với những kết quả đạt được của BIDV trong thời gian qua, cùng những định hướng trong thời gian tới, tin tưởng rằng, những sản phẩm tới đây của BIDV không chỉ giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động của Ngân hàng, mà sẽ tiếp tục mang đến nhiều hơn nữa những tiện ích cho khách hàng và góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

BIDV Thái Nguyên từ nhiều năm nay luôn được biết đến là ngân hàng có dư nợ cho vay doanh nghiệp lớn nhất, cũng là ngân hàng đưa ra các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tính đến đầu tháng 8, tổng dư nợ Chi nhánh hỗ trợ khách hàng trong đợt dịch này đã lên tới 10.020 tỷ đồng, cho 2.506 khách hàng. 
Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: