Công nghệ mới giúp thay đổi thói quen cũ
Xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức đốt ở Nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Đồng Hầm. |
Những năm gần đây, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở các xã, phường trên địa bàn TP. Phổ Yên bằng công nghệ đốt nhiệt đã thay đổi thói quen chôn, lấp rác trong cộng đồng dân cư. Điều này không chỉ giúp thành phố đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị mà còn đưa Phổ Yên trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh xử lý triệt để rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt.
Với một đô thị có tốc độ phát triển nhanh như Phổ Yên, nhất là từ khi các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã thu hút chục nghìn công nhân đến làm việc đến địa phương, kéo theo đó là lượng rác thải sinh hoạt tăng mạnh. Trước đây, lượng rác thải này được chôn lấp tại bãi rác Đồng Hầm, xã Minh Đức.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng Ban quản lý môi trường và đô thị TP. Phổ Yên: Khi địa phương chưa trở thành đô thị, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chỉ được thực hiện ở một số xã, thị trấn nằm gần khu vực trung tâm, với khối lượng chỉ khoảng 30-35 tấn/ngày. Đến năm 2012, khi Khu Công nghiệp Yên Bình đi vào hoạt động, cộng với việc các xã thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, lượng rác thải tăng gấp đôi (khoảng 70 tấn/ngày). Vì vậy, việc chôn lấp bị quá tải, không phân hủy kịp gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, từ năm 2018, Công ty CP Môi trường Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác theo công nghệ “nhiệt hóa” tại TP. Phổ Yên. Năm 2019, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động, góp phần xử lý hiệu quả nguồn rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Đạt, cán bộ Nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Đồng Hầm, cho biết: Toàn bộ rác thải sinh hoạt của TP. Phổ Yên được thu gom, vận chuyển về Nhà máy để xử lý theo phương thức đốt. Đối với lượng rác chưa kịp xử lý, chúng tôi xây dựng khu tập kết có mái tôn che, nền đổ bê tông, hệ thống gom nước đưa về khu vực xử lý sinh hóa, đảm bảo quy chuẩn rồi mới xả ra môi trường. Khói từ lò đốt cũng được xử lý qua hệ thống bể lọc, màng lọc rồi xả theo ống khói cao gần 30m. Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt của thành phố thu gom về Nhà máy là khoảng 80 tấn/ngày, toàn bộ đều được xử lý theo phương thức đốt.
Không chỉ xử lý hiệu quả, công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các phường, xã trên địa bàn thành phố cũng được triển khai bài bản. Hiện nay, TP. Phổ Yên có 4 hợp tác xã thu gom, vận chuyển rác và 1 doanh nghiệp thực hiện việc xử lý, khoảng 90% rác thải sinh hoạt của địa phương đã được thu gom, xử lý. Vì vậy, dù lượng rác thải sinh hoạt tăng mạnh theo sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhưng không bị tồn đọng, gây ô nhiễm trong khu dân cư.
Ông Hà Văn Cấp, cán bộ Địa chính - Môi trường - Xây dựng phường Tiên Phong, cho hay: Đến nay, rác thải sinh hoạt ở 100% tổ dân phố trên địa bàn đã được thu gom theo giờ cố định, chúng tôi cũng hướng dẫn người dân chủ động phân loại rác tại nguồn. Do đó, ý thức, trách nhiệm của người dân cũng được nâng lên đáng kể, bà con luôn đổ rác đúng giờ hoặc để vào vị trí cao, tránh tình trạng gia súc tha đi.
Ngay cả với các xã vùng nông thôn như: Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công... rác thải sinh hoạt cũng được thu gom, xử lý theo phương thức hiện đại tại Nhà máy xử lý rác. Điều này đã giúp ngăn chặn tình trạng người dân vứt rác ra sông suối, gây ô nhiễm nguồn nước. Ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, nói: Từ khi rác thải sinh hoạt ở địa phương được phân loại và thu gom, xử lý theo quy định, bà con không còn vứt rác bừa bãi. Đến nay, trên 80% người dân địa phương đã ký kết với đơn vị thu gom, xử lý rác về việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Thái Nguyên đang hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức đốt, giảm tỷ lệ rác chôn lấp. Do vậy, mô hình xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức lò đốt như tại TP. Phổ Yên rất cần được nhân rộng.