Việc nạo vét đầm Ri, đầm Rẽ rất cần sự đồng thuận của người dân
Do nhiều năm chưa được cải tạo, bùn đất bị bồi lắng khiến việc tiêu, cấp nước tại khu vực đầm Ri, đầm Rẽ, xã Trung Thành bị ảnh hưởng. |
Do nhiều năm chưa được cải tạo, bùn đất bồi lắng tại đầm Ri, đầm Rẽ thuộc xóm Cẩm Trà, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) đã khiến việc tiêu, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của 4 xóm: Xuân Vinh, Thu Lỗ, Cẩm Trà và Phú Thịnh gặp khó.
Trước thực trạng đó, xã Trung Thành đã triển khai kế hoạch nạo vét lòng hồ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số hộ dân đã có hành vi cản trở hoạt động này, khiến tiến độ nạo vét lòng đầm bị ảnh hưởng.
Có mặt tại khu vực đầm Ri, đầm Rẽ, chúng tôi thấy lòng đầm trơ ra lớp bùn đất xấp xỉ bằng mặt ruộng và bị bao phủ bởi lớp bèo tây dày đặc. Các thửa ruộng xung quanh khu vực đầm đều khô hạn, một số thửa ruộng đã bị bỏ không nhiều năm nay do không chủ động được nguồn nước tưới, tiêu.
Được biết, tổng diện tích các đầm trên khoảng 9ha, bắt nguồn từ xóm Hợp Thịnh qua xóm Xuân Vinh, Cẩm Trà, Thu Lỗ, xã Trung Thành đến xã Thuận Thành nối vào cống số 8 đê Sông Công. Các đầm này là quỹ đất công do UBND xã Trung Thành quản lý, có nhiệm vụ tiêu nước trong mùa mưa lũ, phòng tránh ngập úng cho 4 xóm phía Nam: Xuân Vinh, Thu Lỗ, Cẩm Trà, Phú Thịnh và trữ nước trong mùa khô để các trạm bơm hoạt động phục vụ trên 90ha lúa và hoa màu của các xóm thuộc xã Trung Thành. Do nhiều năm chưa được cải tạo, hiện nay, lòng hồ đã bị bồi lấp và chênh so với bờ trung bình 0,5m, mặt cắt đầm đã bị thu hẹp. Điều này ảnh hưởng đến hơn 100ha đất nông nghiệp của bà con nông dân trong những năm qua. Đặc biệt, hơn 3ha lúa vụ mùa và 5ha ngô vụ đông năm 2018 của xóm Thu Lỗ gần như mất trắng do bị ngập úng, khô hạn.
Trước thực trạng trên, năm 2016, UBND T.X Phổ Yên đã ra Quyết định số 8072 về việc phê duyệt phương án nạo vét đầm Ri, xã Trung Thành để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chấp thuận cho Công ty TNHH Trưởng Thành Thuần Nhung (có địa chỉ tại xóm Thượng, xã Thuận Thành) tiến hành nạo vét với diện tích trên 4,5ha, độ sâu bình quân 3m, thời gian thực hiện đến hết năm 2020. Đơn vị này sẽ chịu toàn bộ kinh phí nạo vét và được phép tận dụng bùn đất chở đi nơi khác. Theo kế hoạch, năm 2016 đơn vị sẽ nạo vét 3.500m3, những năm còn lại mỗi năm thực hiện 26.600m3. Tuy nhiên gần đây, khi đơn vị trên đang tích cực thực hiện nạo vét bùn đất tại đầm Ri thì một số người dân trong xã đã tụ tập, đứng ra ngăn cản hoạt động nạo vét và cản trở các xe tải chở bùn đất mang đi nơi khác.
Được biết, năm 1975, Hợp tác xã Trà Vinh, xã Trung Thành (đơn vị quản lý hồ Đầm Ri) đã giao một phần diện tích đầm Ri cho một số hộ dân để gieo cấy. Đến năm 1993, sau khi Hợp tác xã trên giải thể thì đầm này được giao cho UBND xã Trung Thành quản lý, phục vụ việc tưới, tiêu cho các xóm trên địa bàn xã. Lợi dụng lòng đầm bị bồi đắp, cộng với việc lầm tưởng đầm thuộc quyền sở hữu của những hộ tham gia Hợp tác xã Trà Vinh trước đây, một số hộ dân đã tự ý gieo cấy lúa, mặc dù đã được UBND xã nhắc nhở, tuyên truyền, vận động vào trước mỗi vụ sản xuất. Theo ông Phạm Đức Liên, Bí thư Chi bộ xóm Thu Lỗ, sở dĩ người dân có hành động cản trở, đòi hỏi quyền lợi là vì họ cho rằng, các hộ đã gieo cấy lúa tại đầm từ nhiều năm nay nên cần được hỗ trợ, bồi thường sản lượng khi xã thực hiện cải tạo lòng đầm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Quang Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Trước khi tiến hành cải tạo các đầm trên, UBND xã Trung Thành đã tổ chức hội nghị thông báo quyết định, kế hoạch nạo vét công khai, rộng rãi tới người dân; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con chấp hành theo quy định. Khi người dân có hành động cản trở đơn vị thực hiện công việc, lãnh đạo UBND xã cũng đã trực tiếp xuống cơ sở để giải thích, tuyên truyền nhưng nhiều hộ vẫn tái diễn. Thực tế hiện nay cho thấy, việc nạo vét đầm Ri, đầm Rẽ là rất cần thiết, trước hết là để đảm bảo nguồn nước kịp thời phục vụ cho sản xuất vụ xuân năm 2019. UBND xã Trung Thành cũng đã yêu cầu đơn vị thực hiện việc nạo vét đầm Ri ký cam kết tiến độ thực hiện, trong quá trình triển khai phải đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
Thông qua sự việc trên cho thấy, hành vi cản trở hoạt động cải tạo đầm Ri của một số người dân xã Trung Thành là sai. Do vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền lợi, mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc cải tạo lòng đầm thì chính quyền xã Trung Thành, T.X Phổ Yên cần xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm nhằm chấm dứt việc cản trở. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công thực hiện việc cải tạo lòng đầm theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.