Tuyển sinh lớp 10:
Giảm chỉ tiêu và phân luồng trong giáo dục

Cập nhật: Thứ bẩy 05/06/2021 - 08:41
 Học sinh Trường THCS Chợ Chu (Định Hóa) đến Trường THPT Định Hóa tìm hiểu các thông tin về thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày từ đầu học kỳ II năm học 2020-2021.
Học sinh Trường THCS Chợ Chu (Định Hóa) đến Trường THPT Định Hóa tìm hiểu các thông tin về thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày từ đầu học kỳ II năm học 2020-2021.

Năm học 2021-2022, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập toàn tỉnh là 12.065, giảm gần 200 chỉ tiêu so với năm trước. Đến nay, đã có trên 14.800 thí sinh đăng ký dự thi, như vậy mức độ cạnh tranh ở một số trường tăng lên. So với số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS năm học này là 16.760 thì có gần 2.000 học sinh không đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hệ công lập. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu học tập và phân luồng trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập đã có những chuyển biến sang các hình thức học nghề, học theo nhu cầu xã hội.

Trao đổi về công tác xét tuyển học sinh vào lớp 10 trên địa bàn huyện, đồng chí Phan Tuấn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đại Từ cho biết: Năm học 2020-2021, toàn huyện có hơn 2.000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Như những năm học trước đây, hầu như các em đều đăng ký tham gia thi hoặc xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện có gần 300 học sinh không đăng ký thi tuyển sinh. Đặc biệt, các trường THPT mà theo cách phân tích của phụ huynh (trường top trên) thì có lượng hồ sơ đăng ký đông và yếu tố cạnh tranh cao. Các trường top dưới thậm chí hồ sơ đăng ký dự thi không đủ. Theo nhu cầu học tập và các lựa chọn thì những em học tốt hầu như đăng ký nguyện vọng 1 là thi vào THPT Chuyên, nguyện vọng sau mới đến các trường trong huyện. Điều này dẫn đến, một số trường khu vực vùng sâu, vùng xã sẽ khó tuyển sinh hoặc chất lượng tuyển sinh không cao.

Khảo sát tại Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai), đến hạn cuối ngày nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 mà Trường mới chỉ có 150 thí sinh đăng ký thi tuyển/160 chỉ tiêu. Đồng chí Hà Mạnh Cương, Trường Phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai chia sẻ: Huyện năm nay có gần 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ có hơn 85% học sinh đăng ký tham gia thi tuyển vào lớp 10. Số còn lại tham gia học nghề các trường trung cấp, hoặc các em học hệ Giáo dục thường xuyên. Đây cũng là vấn đề mà thực tế nhu cầu xã hội, khi thực hiện phân luồng đào tạo cho học sinh bậc THPT. Học sinh tham gia học nghề có thể được hưởng chính sách hỗ trợ, khi học xong được công nhận tốt nghiệp cả bằng THPT và bằng đào tạo nghề. Họ có thể tham gia đào tạo tiếp để nâng cao trình độ, hoặc trực tiếp tham gia vào thị trường lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài nước.

Đối với các trường top đầu thì mức độ cạnh tranh trở nên căng thẳng hơn. Theo hồ sơ đăng ký, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên có trên 1.200 hồ sơ đăng ký dự thi/390 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó có hơn 500 chỉ tiêu đăng ký nguyện vọng 2 vào Trường THPT Lương Ngọc Quyến, THPT Chu Văn An, THPT Gang Thép. Như vậy, sẽ có sự chuyển dịch lớn học sinh không đủ điều kiện vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên sang Trường THPT Lương Ngọc Quyến và Chu Văn An, Gang Thép... trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT Lương Ngọc Quyến năm học 2021-2022 chỉ có 675 học sinh, Chu Văn An là 360 và Gang Thép là 450. Điều đó sẽ xảy ra tình trạng điểm trúng tuyển vào Trường THPT Lương Ngọc Quyến, Chu Văn An, Gang thép sẽ khá cao, khi gần 50% học sinh nguyện vọng 2 trường THPT Chuyên chuyển sang.

Điểm mới trong tuyển sinh lớp 10 năm nay là học sinh học tại các trường nội trú bậc THCS sau khi tốt nghiệp có thể được tuyển thẳng vào các trường THPT trên địa bàn cùng huyện. Đây sẽ là phương án giảm tải đối với các trường top trên và giảm tải mức cạnh tranh vào Trường THPT Nội trú tỉnh, nhưng cũng sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh các chỉ tiêu còn lại của các trường trên địa bàn các huyện có trường hệ thống THCS nội trú. So với số lượng học sinh tốt nghiệp THCS và chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập, có thể thấy sẽ có gần 4.700 học sinh không tham gia tuyển sinh vào các trường THPT công lập và sẽ sang học theo hình thức khác như: Dân lập, tư thục, học nghề, học hệ giáo dục thường xuyên... để có thể bước vào thị trường lao động, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh hệ thống các trường THPT công lập, năm học này, trên địa bàn tỉnh còn có các trường THPT dân lập, tư thục, như: Đào Duy Từ, Lương Thế Vinh, Tiểu học-THCS-THPT Iris có kế hoạch tuyển sinh gần 500 chỉ tiêu. Đây chính là kênh học tập theo nhu cầu xã hội, có thể giảm tải sức cạnh tranh trong các trường công lập và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khi ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục công lập còn khó khăn. Trên thực tế, chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vât chất các trường THPT trên địa bàn khá đồng đều, vấn đề cốt lõi vẫn là trách nhiệm người học và định hướng tương lai của gia đình cho các em học sinh. 

Trinh An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: