Khi điểm chuẩn tăng đột biến, cơ hội nào cho thí sinh trượt nguyện vọng?
Mới đây khi nhiều trường đại học trong cả nước công bố điểm chuẩn đại học năm 2021. Điểm chuẩn năm nay tăng “sốc” khiến thí sinh rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở”. Rất nhiều thí sinh đạt điểm cao 26-27 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, thậm chí là trượt tất cả các nguyện vong vì đăng ký xét tuyển vào các trường "top" đầu và chưa biết cách sắp xếp nguyện vọng thế nào.
Điểm chuẩn đại học cao kỉ lục, nhiều trường tăng điểm vượt ngưỡng 30
Đây là điều không bất ngờ bởi số lượng thí sinh năm nay nhiều hơn mọi năm, đề thi tốt nghiệp THPT được cho là ‘dễ thở’ hơn so với những năm trước, đặc biệt với các tổ hợp xét tuyển có môn Tiếng Anh. Trong khi đó, các trường đại học ngày càng đa dạng về phương thức xét tuyển.
Theo nhận định của các thí sinh trên diễn đàn Cộng đồng sinh viên 2K3, năm 2018 là năm có đề thi khó nhất, còn năm 2021 là năm khó đỗ đại học nhất.
Tuy nhiên, thực tế điểm chuẩn đại học năm 2021 đã diễn ra ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Nhiều trường có mức điểm chuẩn tăng từ 2 - 5 điểm, thậm chí có những ngành tăng “sốc” từ 8-9 điểm so với năm 2020. Các trường top trên tiếp tục duy trì mức điểm chuẩn cao chót vót 28 -29 -30 điểm. Đặc biệt, năm nay còn xác lập kỷ lục điểm chuẩn vượt ngưỡng tuyệt đối với 30,5 điểm.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm (tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm đạt ngưỡng trên 28 điểm.
Thí sinh trượt nguyện vọng vẫn còn nhiều cơ hội
Trước thực tế đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) khuyên các bạn thí sinh trượt nguyện vọng không nên hoang mang, lo lắng mà cần bình tĩnh để tiếp tục tìm kiếm con đường khác để có cơ hội học đại học.
Cụ thể, để xem xét quyền lợi cho các em, Trường Đại học Khoa học sẵn sàng xét tuyển bổ sung theo phương thức xét tuyển học bạ. Hiện nhà trường vẫn đang tuyển sinh một số ngành theo phương thức này. Tuy nhiên, thí sinh cần phải tìm hiểu và nhanh chóng đăng ký xét tuyển bởi chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều, nhất là với các ngành hot như: Hàn Quốc học,Trung Quốc học, Du lịch, Luật, Kỹ thuật xét nghiệm Y – sinh, Báo chí và Truyền thông... Thông tin về xét tuyển bổ sung sẽ được nhà trường thông báo công khai trên website và fanpage của trường…
Điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên theo từng ngành.
Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên cũng thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 vào các ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy năm 2021.
Theo thông báo của Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Khoa học, sau khi có kết quả xét tuyển ngày 15/9/2021, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các thí sinh, Nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung 710 chỉ tiêu đại học chính quy, trong đó, 460 chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và 250 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả ghi trong học bạ THPT.
Năm học 2021 - 2022, Đại học Khoa học (mã trường DTZ) tuyển sinh hệ đại học chính quy vào 18 ngành đào tạo đối với phương thức xét học bạ; 20 ngành đối với phương thức xét kết quả thi THPT và 3 ngành đào tạo chất lượng cao với cả hai phương thức. Phương thức 1: Sử dụng kết quả 03 môn từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển. Đối với những thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2020 trở về trước được sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển. Phương thức 2: Sử dụng kết quả 03 môn từ kết quả học tập lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển, điểm xét tuyển từ 15 điểm trở lên. |