Tuyển sinh bằng xét học bạ: Giỏi mới xét vào Y - Dược và Sư phạm

Cập nhật: Thứ sáu 18/06/2021 - 07:53
 Học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Lương tìm hiểu quy chế tuyển sinh vào Đại học Thái Nguyên năm 2021.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Lương tìm hiểu quy chế tuyển sinh vào Đại học Thái Nguyên năm 2021.

Quy chế tuyển sinh năm 2021 của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) quy định đảm bảo chất lượng đầu vào yêu cầu 2 ngành giáo viên và sức khỏe thí sinh phải đạt loại giỏi. Như vậy, kết quả học tập liên tục 3 năm THPT của học sinh có giá trị rất quan trọng trong cạnh tranh khi xét tuyển.

Theo Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên, nhà trường sẽ tuyển gần 500 chỉ tiêu trong tổng số gần 1.200 chỉ tiêu bằng phương án xét kết quả học tập 3 năm học THPT (xét học bạ). Về hình thức, đây là phương thức xét tuyển mở và sẽ có thêm nhiều cơ hội cho thí sinh, nhất là các thí sinh đã có định hướng nghề nghiệp và phân luồng ngay từ khi vào học THPT. Cũng có ý kiến băn khoăn, liệu như vậy chất lượng đầu vào tuyển sinh có bảo đảm, có bằng xét theo điểm thi? Trao đổi với chúng tôi về việc đảm bảo chất lượng đầu vào khi xét tuyển sinh năm 2021.

TS Nguyễn Quang Đông (Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Y-Dược) cho biết: “Về cấu trúc tuyển sinh sẽ được vận hành theo hình thức: Nhiều lối vào, nhưng chỉ một lối ra. Thắt chặt chất lượng đầu ra theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, những năm gần đây, hệ thống giáo dục phổ thông đã có nhiều đổi mới, như phân luồng, phân loại khá rõ, chất lượng, năng lực học tập của học sinh được đánh giá sát và theo các tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, xét tuyển bằng học bạ vào đại học cũng là đồng bộ hóa hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng. Quá trình học tập, người học vẫn còn nhiều cơ hội để chuyển ngành, nghề phù hợp với năng lực bản thân. Đó cũng là quy luật đào thải tự nhiên, ai cũng có cơ hội bình đẳng như nhau và như vậy sẽ chắt lọc được nguồn nhân lực đào tạo chất lượng”.

Đến nay, đã có gần 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét học bạ, trong đó trên 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển ngành Y đa khoa. Căn cứ theo chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành Y đa khoa năm 2021 thì mức độ cạnh tranh sẽ là 5-6 chọn 1. Điều kiện xét tuyển cũng yêu cầu cao, khi các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học đều đưa ra tiêu chí học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi, các ngành khác yêu cầu loại Khá. Mặc dù xếp loại giỏi, nhưng không phải thí sinh nào cũng đủ điều kiện xét vào ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt khi điều kiện xét tuyển là tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển lớp 12 phải đạt tối thiểu 24 điểm (chưa tính điểm ưu tiên) và không có môn nào trong tổ hợp đó dưới 7,0.

Với ngành Sư phạm, điều kiện xét tuyển cũng mở rộng, với 246/gần 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay được xét bằng học bạ. Tuy nhiên, yêu cầu học lực của thí sinh dự tuyển phải có đủ điều kiện cả năm lớp 12 đạt loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8,0 trở lên (với các ngành Sư phạm khoa học cơ bản; Sư phạm mầm non, tiểu học). Đặc biệt, tính cạnh tranh trong các ngành Sư phạm mầm non, tiểu học đang tạo sức nóng, khi nhu cầu vị trí việc làm khối ngành học này trong xã hội đang tăng lên. Được biết, đến thời điêm này, đã có gần 1.000 hồ sơ đăng ký tuyển sinh, trong khi chỉ tiêu Sư phạm mầm non là 150; Sư phạm tiểu học là 190. Riêng đối tượng thí sinh dự tuyển bằng xét học bạ chiếm gần 40%, trong khi chỉ tiêu xét bằng học bạ của 2 ngành này chỉ có 100.

Có thể thấy xét tuyển sinh đại học của ĐHTN năm 2021 có nhiều đổi mới, nhưng đích đến vẫn là bảo đảm ngưỡng về chất lượng đầu vào, nhất là với những ngành nghề đào tạo có tính chất đặc thù và yêu cầu cao về tiêu chuẩn năng lực học tập.

Trinh An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: